Khôi phục, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống

Những năm gần đây ở Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu phong tục, tập quán, kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật,... truyền thống, bên cạnh các hoạt động của các đơn vị, tổ chức chuyên nghiệp nhà nước, xuất hiện nhiều câu lạc bộ, nhóm, hội, cá nhân quan tâm tìm hiểu, đầu tư công sức với hoạt động khá phong phú như tổ chức diễn đàn trao đổi kiến thức, tọa đàm khoa học, phục dựng một số giá trị truyền thống, thực hiện công trình nghiên cứu chuyên sâu... Tuy nhiên, bên cạnh các dấu ấn tích cực của xu hướng tìm về nguồn cội này, đã xuất hiện không ít biểu hiện lệch lạc, cần chấn chỉnh thể hiện qua hiện tượng tranh luận thiếu tính học thuật, phê bình thiếu tính xây dựng, thậm chí nguy cơ sai lệch trong phổ cập kiến thức chuyên môn, lịch sử... Thực tế này đang đặt ra vấn đề là làm thế nào để vừa khơi dòng, vừa thúc đẩy sự phát triển, đồng thời góp phần định hướng điều chỉnh các hoạt động khôi phục giá trị văn hóa truyền thống này đi đúng hướng.

Những năm gần đây ở Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu phong tục, tập quán, kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật,... truyền thống, bên cạnh các hoạt động của các đơn vị, tổ chức chuyên nghiệp nhà nước, xuất hiện nhiều câu lạc bộ, nhóm, hội, cá nhân quan tâm tìm hiểu, đầu tư công sức với hoạt động khá phong phú như tổ chức diễn đàn trao đổi kiến thức, tọa đàm khoa học, phục dựng một số giá trị truyền thống, thực hiện công trình nghiên cứu chuyên sâu... Tuy nhiên, bên cạnh các dấu ấn tích cực của xu hướng tìm về nguồn cội này, đã xuất hiện không ít biểu hiện lệch lạc, cần chấn chỉnh thể hiện qua hiện tượng tranh luận thiếu tính học thuật, phê bình thiếu tính xây dựng, thậm chí nguy cơ sai lệch trong phổ cập kiến thức chuyên môn, lịch sử... Thực tế này đang đặt ra vấn đề là làm thế nào để vừa khơi dòng, vừa thúc đẩy sự phát triển, đồng thời góp phần định hướng điều chỉnh các hoạt động khôi phục giá trị văn hóa truyền thống này đi đúng hướng.

Bài 1: Lan tỏa giá trị truyền thống trong cộng đồng

Cách đây không lâu, các hoạt động nghiên cứu văn hóa truyền thống mang tính “xã hội hóa” được xem là hiện tượng khá hiếm. Song vài năm trở lại đây, hiện tượng này ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí “trăm hoa đua nở”. Hầu hết các câu lạc bộ, hội, nhóm, cá nhân nghiên cứu văn hóa truyền thống đều sử dụng mạng xã hội là phương tiện để trao đổi, lan tỏa. Trên thực tế, các nghiên cứu này đã phần nào mang lại không ít đóng góp tích cực, góp phần bổ khuyết, bổ sung cho nghiên cứu chính thống; đồng thời có tác dụng giáo dục, phổ cập, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống.

Những năm trước đây, việc nghiên cứu văn hóa truyền thống trong kiến trúc, mỹ thuật, phong tục, tập quán, nghệ thuật dân gian,... chủ yếu do các cơ quan, tổ chức thuộc nhà nước thực hiện. Chỉ một số ít cá nhân nghiên cứu tự phát. Tuy nhiên, những năm gần đây, xu thế này đã có nhiều thay đổi. Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân thể hiện sự quan tâm, đứng ra tìm hiểu, nghiên cứu, thành lập các câu lạc bộ, hội, nhóm và chia sẻ kết quả công việc của mình với cộng đồng. Thậm chí, một số câu lạc bộ đã thực hiện các công trình nghiên cứu, biến các buổi tương tác trên mạng xã hội thành các buổi sinh hoạt thực tế, các cuộc tọa đàm khoa học, phục chế một số giá trị truyền thống, nhất là trong mỹ thuật, trang phục cổ truyền... Có thể coi đó là một trào lưu tích cực, lành mạnh và ở đó, nhiều người trẻ tuổi đã tham gia và đóng vai trò then chốt.

Một trong các nhóm tiên phong cho hoạt động nghiên cứu văn hóa truyền thống cần phải kể đến là Hội quán Di sản. Ra đời cách đây khoảng mười năm, Hội quán Di sản tập hợp một số kiến trúc sư có đam mê văn hóa truyền thống. Ngay từ những hoạt động ở thời kỳ mới thành lập, Hội quán Di sản đã cho ra đời bộ sản phẩm lưu niệm lấy cảm hứng từ các hiện vật khai quật tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Bộ sản phẩm này gồm đầu rồng, phượng, hay rồng, phượng trong lá đề, thu nhỏ kích thước của những trang trí mỹ thuật được tìm thấy khi khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long. Những sản phẩm của Hội quán Di sản có thể làm quà tặng, sử dụng làm đồ trang trí mỹ thuật, đồng thời góp phần tôn vinh, lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của dân tộc. Khi đó, những người thành lập Hội quán Di sản đều còn rất trẻ. Sau mười năm, họ vẫn tiếp tục hành trình nghiên cứu mỹ thuật truyền thống; và trên nền truyền thống, cho ra mắt những sản phẩm bằng đồng, gốm, gỗ có giá trị mỹ thuật cao. Vào thời điểm Hội quán Di sản thành lập và cho ra mắt những sản phẩm kế thừa mỹ thuật truyền thống, việc một câu lạc bộ, hội, một nhóm, cá nhân nghiên cứu văn hóa truyền thống còn khá xa lạ. Nhưng cũng kể từ đó, ngày càng nhiều tổ chức tương tự xuất hiện.

Cũng phải kể đến nhóm có nhiều hoạt động tìm lại, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đến nay đã có chỗ đứng khá vững chắc trong giới nghiên cứu cũng như cộng đồng yêu mến văn hóa dân tộc là Câu lạc bộ Đình làng Việt. Được khởi xướng bởi một số nhà nghiên cứu mỹ thuật, họa sĩ,... lúc đầu hoạt động của Đình làng Việt chủ yếu là chia sẻ kiến thức về phong tục, tập quán liên quan đình làng - linh hồn của văn hóa làng quê Việt Nam. Sau đó, Đình làng Việt đã tổ chức các chuyến du khảo, điền dã cho thành viên. Những chuyến đi đó đều có sự hướng dẫn trực tiếp của một số nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa. Và đó cũng là cơ sở góp phần cho sự lớn mạnh, phát triển nhanh chóng của tổ chức này. Đặc biệt, nhóm Đình làng Việt đã trực tiếp phối hợp một số cơ quan văn hóa tổ chức nhiều cuộc triển lãm, chương trình quảng bá văn hóa Việt, nhất là hoạt động liên quan phong tục, tập quán, lễ, Tết, kiến trúc truyền thống... Khởi phát từ nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa liên quan đình làng, hiện tại, Câu lạc bộ Đình làng Việt đã tập hợp được hàng chục nghìn thành viên, đồng thời còn đóng vai trò then chốt trong nghiên cứu, phục dựng, phổ biến áo dài nam trong cộng đồng.

Liên quan việc nghiên cứu, lưu giữ, quảng bá phong tục Việt Nam, cũng cần nhắc đến nhóm Làng Việt xưa và nay. Diễn đàn Làng Việt xưa và nay trên Facebook hiện thu hút tới gần 30 nghìn thành viên. Các vấn đề thường được thảo luận, thông tin trên diễn đàn gồm: các phong tục trong ma chay, cưới hỏi, lễ hội, sinh hoạt,... ở làng quê; cảnh quan truyền thống của làng quê; tổ chức không gian, kiến trúc làng quê... Nếu các câu lạc bộ như Đình làng Việt, Làng Việt xưa và nay hay Phong tục Việt, Phong tục Việt Nam,... “phủ sóng” diện rộng thì nhiều nhóm lại được tổ chức theo “chuyên đề”. Chẳng hạn, Chùa Việt, Phong tục Việt Nam, Đạo Mẫu, Đạo Tứ phủ Việt Nam, Tín ngưỡng Dân gian Việt Nam, Hội Yêu thích nhà gỗ cổ truyền, Hoa văn Đại Việt,... đều là những nhóm có hình thức hoạt động khá đa dạng, phong phú, vừa có hoạt động thực tế trong cuộc sống, vừa có hoạt động trên Facebook tùy theo hoàn cảnh nội dung cụ thể và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Chưa kể, đối với một số chủ đề được nhiều người quan tâm, nhất là phong tục, mỹ thuật, kiến trúc,... trong đó nghiên cứu trang phục truyền thống, vốn được xem là một mảng của mỹ thuật truyền thống song gần như đã phát triển thành một “nhánh” riêng. Nổi bật trong số này phải kể đến nhóm Ỷ Vân Hiên (hiện đã chuyển sang hình thức hoạt động của một doanh nghiệp xã hội), Hoa văn Đại Việt, Việt Nam Cổ phục hội, Hội đam mê Cổ phục và văn hóa Việt Nam, Việt Cổ phục cách tân... Mảng nghệ thuật dân gian cũng nở rộ với rất nhiều hội, nhóm, có thể kể như: Hội những người yêu hát Xẩm, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương... Đặc biệt, từ niềm yêu thích, sự quan tâm, nhiều cá nhân cũng tự nghiên cứu văn hóa và cho ra một số sản phẩm có chất lượng. Tiêu biểu là Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa với bộ ba tác phẩm: Dòng tranh dân gian Kim Hoàng, Dòng tranh dân gian Đông Hồ, Dòng tranh dân gian Hàng Trống; tác giả Trần Quang Đức với cuốn sách “Ngàn năm mũ áo” - cuốn sách được coi như là khởi đầu cho xu hướng nghiên cứu có tính độc lập của giới trẻ về văn hóa truyền thống...

Có một thực tế là hiện nay, dù Việt Nam có rất nhiều cơ quan khác nhau tiến hành nghiên cứu văn hóa truyền thống, nhưng do văn hóa truyền thống có phạm vi vừa rất rộng lớn, vừa rất chi tiết, cũng như nhiều khó khăn, hạn chế về nhân lực, kinh phí đầu tư nên vẫn còn rất nhiều lĩnh vực mà các cơ quan nghiên cứu chưa bao quát hết. Chẳng hạn như nghiên cứu trang phục truyền thống, tới hiện tại, ưu thế dường như đang thuộc về các nghiên cứu có tính xã hội hóa chứ không phải cơ quan nghiên cứu chuyên nghiệp. Sau cuốn sách “Ngàn năm mũ áo” của Trần Quang Đức, một số câu lạc bộ, hội, nhóm,... đã tiến hành nghiên cứu, khôi phục được nhiều loại trang phục truyền thống như: áo dài ngũ thân, áo giao lĩnh, áo tấc, áo nhật bình... Thậm chí, một số hội, nhóm còn phục dựng cả trang phục cung đình, tích cực phổ cập nét đẹp trang phục cổ truyền. Chưa kể, một thế mạnh của các câu lạc bộ, hội, nhóm là tập hợp các cá nhân có cùng đam mê, không bị ràng buộc bởi thủ tục hành chính nên hoạt động linh hoạt hơn, và việc thực tế hóa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm trong nhiều trường hợp cũng thuận lợi hơn so với các cơ quan nghiên cứu thuộc Nhà nước. Thí dụ các nghiên cứu về hình tượng nghê truyền thống của Việt Nam, đến nay kết quả nghiên cứu, phục dựng hình tượng nghê Việt chủ yếu do các nhóm, các họa sĩ, nhà nghiên cứu độc lập thực hiện. Hoặc nhóm Hoa văn Đại Việt nghiên cứu, số hóa hàng trăm họa tiết hoa văn truyền thống tiêu biểu cung cấp cho cộng đồng và cho ra mắt cuốn sách tô mầu dành cho người lớn có tiêu đề “Hoa văn Đại Việt” với hàng trăm mẫu linh vật, hoa văn, họa tiết... được khai thác, chuyển thể thành dạng 2D từ các di tích như: đình, đền, chùa, lăng... nổi tiếng Việt Nam.

Điểm chung của các câu lạc bộ, hội, nhóm,... nghiên cứu văn hóa truyền thống là do một số cá nhân là nhà nghiên cứu, hay người có kiến thức trong một lĩnh vực nào đó khởi xướng, tổ chức, dẫn dắt hoạt động. Nhiều người trong số này đang là cán bộ khoa học công tác tại các cơ quan nghiên cứu của Nhà nước. Thông qua những cá nhân này, nhiều kiến thức kinh viện được đưa đến công chúng. Hầu hết các hội, nhóm, câu lạc bộ đều sử dụng mạng xã hội như là công cụ để trao đổi học thuật, phổ biến kiến thức, tương tác với cộng đồng. Từ nòng cốt là một số người đam mê, các câu lạc bộ, hội, nhóm tập hợp được đông đảo người tham gia, theo dõi, tương tác. Do đó, khi một thông tin được đăng tải, rất nhiều người có thể đọc, trao đổi, nhận xét,... và đây là một thế mạnh khi đến với cộng đồng. Khi một thông điệp được truyền tải, ảnh hưởng là rất lớn. Điển hình như một số nhóm đã tuyên truyền, phổ biến hình tượng nghê Việt, giúp loại bỏ các linh vật ngoại lai, từ đó nhận được sự đồng thuận của các cơ quan quản lý văn hóa và hình thành chủ trương về tăng cường sử dụng linh vật Việt tại các di tích lịch sử, văn hóa. Một điều đáng chú ý khác, thông qua tương tác, các câu lạc bộ, nhóm này còn huy động được kiến thức, sáng kiến của cộng đồng vào nghiên cứu, phổ biến, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống. Rất nhiều tư liệu trong các gia đình, dòng họ; hay nét đặc biệt của một số di tích, di sản,... chưa từng biết đến đã được phát hiện thông qua hoạt động của các hội, nhóm và đưa đến cộng đồng.

Mặc dù đã có những đóng góp thiết thực góp phần khôi phục giá trị văn hóa truyền thống, nhất là sức lan tỏa trong cộng đồng, song phần lớn hoạt động của các hội, nhóm đều tự phát, bắt nguồn từ đam mê, tình yêu của người tham gia. Bởi thế, các hoạt động này gặp không ít khó khăn; hạn chế trong nghiên cứu, thẩm định chuyên môn một cách bài bản, khoa học và chuyên nghiệp, có thể dẫn tới nguy cơ sai lạc trong phổ cập kiến thức. Mặt khác, do tổ chức, hoạt động mang tính tự phát cho nên dễ nảy sinh hiện tượng tiêu cực trong nghiên cứu, tranh luận. Vì thế, trào lưu khôi phục văn hóa truyền thống rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn để “gạn đục, khơi trong”.

(Còn nữa)

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-phe-phan/khoi-phuc-luu-giu-cac-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-635520/