Khôi phục ngôi làng của những thợ may 'đệ nhất Hà thành'

Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (ĐH Xây dựng) và Nhóm nghiên cứu mô hình làng nghề-du lịch và làng di sản – du lịch (ĐH Xây dựng) đã có những hoạt động thiết thực để khôi phục Làng Cựu - ngôi làng của những thợ may 'đệ nhất Hà thành'.

Vào ngày 11/2/2020, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại Học Xây dựng), Nhóm nghiên cứu cùng với các nhà thiết kế tài năng đến từ Việt nam đã khởi động đề án “Làng nghề may- du lịch” làng Cựu để giới thiệu những giải pháp cho xu hướng mới và ấn tượng mới.

Làng Cựu nằm cách trung tâm Hà nội khoảng 40km, giữ trong mình nhịp sống thong thả giữa các công trình cổ kính và lịch sử may mặc đầy tự hào những năm đầu thế kỷ 20. Vốn là làng thuần nông, những năm 1920, sau trận cháy rụi từ đầu làng đến cuối làng, người làng Cựu bươn chải ra các đô thị lớn để kiếm sống. Từ đây, với bàn tay tài hoa, người làng Cựu đã trở thành những thợ may “đệ nhất Hà thành”, chuyên may mặc đồ cho ông tây bà đầm, trong đó có những nhà may vang tiếng như Đức Lợi, Phúc Mỹ, Phúc Hưng.

Làng Cựu từng rất nổi tiếng với nghề chuyên may mặc đồ cho ông tây bà đầm.

Làng Cựu từng rất nổi tiếng với nghề chuyên may mặc đồ cho ông tây bà đầm.

Những năm gần đây, do quá trình đô thị hóa, người làng rời đến các thành phố lớn làm ăn, nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang. Theo TS. Lê Quỳnh Chi và Ths - KTS. Dương Quỳnh Nga (đã thực hiện nghiên cứu về làng Cựu từ những năm 2012), trong 49 ngôi nhà cổ tại làng Cựu, hơn một nửa trong số đó bị bỏ hoang hoặc chỉ có 1 người ở. Nghề may của làng cũng bị mai một, hiện nay người làng Cựu chủ yếu nhận gia công những bộ vest hoặc trang phục công sở đại trà.

Sau một thời gian dài quên lãng, những ngày đầu năm 2020 chứng kiến những hoạt động đầu tiên trong bước chuyển mình của Làng Cựu để nghĩ về tương lai sẽ được hồi sinh trong bối cảnh phát triển. Khoa Kiến trúc và Quy hoạch và Nhóm nghiên cứu mô hình làng nghề-du lịch và làng di sản – du lịch (Đại Học Xây dựng) đã có những hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế.

Trưng bày các hình ảnh về làng Cựu tại triển lãm sáng 11/2.

Trưng bày các hình ảnh về làng Cựu tại triển lãm sáng 11/2.

Theo TS. Lê Quỳnh Chi, trưởng nhóm nghiên cứu, đề án phát triển làng Cựu sẽ được tiến hành dựa trên hai trụ cột: khôi phục lại thương hiệu may thông qua giải pháp mới cho nghệ thuật làm đẹp (thời trang, đồ thủ công, nội thất) và tái sử dụng thích nghi các công trình cổ tại làng Cựu..

Tại buổi mắt cũng diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa 3 bên: PGS. TS Phạm Hùng Cường - đại diện Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại Học Xây dựng), TS. Lê Quỳnh Chi - đại diện Nhóm nghiên cứu phát triển, và Ông Alberto Sebastinelli - đại diện Desk Italia. Ba bên cam kết hợp tác cùng phát triển làng Cựu, bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển kinh tế địa phương.

Các thiết kế của NTK La Phạm được trưng bày tại triển lãm.

Các thiết kế của NTK La Phạm được trưng bày tại triển lãm.

Vốn được biết đến với các thiết kế áo dài mang đậm tinh thần giao thoa giữa văn hóa truyền thống Việt Nam và các nét đẹp tinh hoa của văn hóa phương Tây, Nhà thiết kế La Phạm quyết định tham gia vào dự án khôi phục làng Cựu lần này.

Chia sẻ về lý do tham dự vào dự án lần này, NTK La Phạm cho biết: “Ngay từ lúc quyết định trở về Việt Nam, tôi đã có định hướng rõ ràng cho là muốn đóng góp nhỏ cho sự sống lại của ngành thủ công Việt Nam và tạo thêm công ăn việc làm cho đồng hương của mình. Chính vì thế khi được mời tham gia dự án khôi phục làng Cựu, tôi cảm thấy như điều mình luôn mong ước và ấp ủ đã tự tìm đến”.

Duy Nam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/khoi-phuc-ngoi-lang-cua-nhung-tho-may-de-nhat-ha-thanh-1518916.tpo