Khôi phục sản xuất giống gia cầm
Để bảo đảm nhu cầu tái đàn, các hộ sản xuất, kinh doanh giống gia cầm trong tỉnh đang dần khôi phục đàn giống bố mẹ. Đây là tín hiệu vui sau một thời gian dài không thể tiêu thụ.
Tái đàn giống bố mẹ
Thời điểm này, cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống của gia đình anh Phạm Đình Dừa ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc) đang phải gom trứng ở những nơi khác. Anh Dừa cho biết: "Trang trại của tôi mới phát triển lại đàn gia cầm bố mẹ nên chưa chủ động được nguồn trứng mà phải nhập thêm từ nơi khác để ấp". Cơ sở sản xuất, kinh doanh của anh Dừa lớn nhất tỉnh. Trước đây, cơ sở nuôi gần 4 vạn con gà bố mẹ. Trung bình mỗi ngày, trang trại thu khoảng 1,5 vạn quả trứng gà để đưa vào ấp nở. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát nên tiêu thụ giống gia cầm gặp nhiều khó khăn. Toàn bộ gà giống bị tồn đọng, không thể tiêu thụ. Trong khi đó, đàn gà bố mẹ vẫn phải chăm sóc đều đặn. Để giảm thua lỗ, anh đã phải bán đi hơn 1 vạn gà bố mẹ. Đây là nguyên nhân khiến cơ sở này phải thu gom trứng từ các trang trại chăn nuôi khác.
Gia đình ông Vũ Văn Toàn cùng ở xã Yết Kiêu cũng buộc phải giảm bớt đàn gà bố mẹ để cắt lỗ. Trước đó, do dịch bệnh nên gà giống không tiêu thụ được, nhiều hộ buộc phải bán gà giống cho các hộ nuôi thủy sản để làm thức ăn cho cá. Hiện người dân tái đàn nên giá con giống bắt đầu tăng. Ông Toàn cho biết: "Hơn 1 vạn con gà bố mẹ của gia đình tôi mới nuôi được vài tháng nên chưa có trứng để ấp. Để duy trì lò ấp tôi phải nhập trứng ở ngoài nhưng số lượng không được nhiều, mỗi ngày chỉ nở khoảng 2.000 con gia cầm giống các loại".
Xã Yết Kiêu là địa phương cung cấp gà giống lớn của miền Bắc với 45 trang trại chăn nuôi gà đẻ và cơ sở ấp nở trứng gia cầm. Trung bình mỗi ngày, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và ấp nở gia cầm bán khoảng 10 vạn con giống. Do dịch Covid-19 bùng phát, gia cầm giống không thể tiêu thụ. Nhiều hộ buộc phải thanh lý đàn gia cầm bố mẹ. Đây là nguyên nhân chính làm nguồn cung con giống giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hộ sản xuất, kinh doanh con giống đang khôi phục đàn gia cầm bố mẹ để đáp ứng nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.
Giá tăng
Cơ sở kinh doanh, ấp nở trứng gia cầm của gia đình ông Đinh Văn Mười ở phường Thất Hùng (Kinh Môn) nuôi 8.000 gà đẻ trứng và 300 gà trống. Trong năm 2020, cơ sở kinh doanh khó khăn do con giống sản xuất ra tiêu thụ hạn chế. Lượng giống tồn đọng nhiều nên ông Mười buộc phải giữ lại gà giống để nuôi gột và mang bán lẻ tại các chợ, chấp nhận chịu lỗ. Hiện giá con giống tăng cao, tiêu thụ khá bởi đây là thời điểm người chăn nuôi tái đàn. Cụ thể, giá gà giống 5.500-6.000 đồng/con; vịt từ 8.000-9.000 đồng/con; ngan đực từ 17.000-19.000 đồng/con; ngan cái từ 8.000-10.000 đồng/ con. Các loại gia cầm đều tăng từ 2.000-3.000 đồng/con, trong đó ngan giống tăng giá mạnh nhất.
Trong năm 2020, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt 15 triệu con, trong đó có 12 triệu con gà, vượt 2 triệu con so với quy hoạch sản xuất của tỉnh. Số lượng đàn gia cầm tăng mạnh dẫn đến cung vượt cầu, giá gà thịt duy trì ở mức thấp, tiêu thụ chậm. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát giáp Tết Nguyên đán, trùng vào thời điểm xuất lứa gà Tết làm người chăn nuôi thêm khó khăn.
Sau khi dịch bệnh tạm lắng, lượng gia cầm tồn đọng đã được tiêu thụ hết. Người chăn nuôi bắt đầu tái đàn, chậm hơn khoảng nửa tháng so với những năm trước. Tuy nhiên, hiện giá gà thịt vẫn ở mức thấp từ 47.000 - 48.000 đồng/kg, trong khi giá cám tăng mạnh làm các hộ chăn nuôi trong tỉnh chỉ tái đàn ở mức "cầm chừng". Để tránh tình trạng thua lỗ trong sản xuất, các cơ sở cần tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng con giống; dần hình thành các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến bàn ăn nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/khoi-phuc-san-xuat-giong-gia-cam-163052