Khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống sau thiên tai

Tuần qua, mưa to đã vùi lấp và phá hỏng một số cây trồng nông, lâm nghiệp, nhà ở của người dân. Để ổn định sản xuất cho bà con, ngay sau khi mưa bão đi qua, chính quyền địa phương các cấp đã huy động lực lượng khẩn trương thu dọn, khắc phục hậu quả nhằm sớm ổn định đời sống, lao động sản xuất cho Nhân dân.

Ông Ma Văn Giai ở thôn Bản Đén 1, xã Quảng Chu (Chợ Mới) vừa gieo lại thóc giống do bị lũ cuốn trôi.

Ông Ma Văn Giai ở thôn Bản Đén 1, xã Quảng Chu (Chợ Mới) vừa gieo lại thóc giống do bị lũ cuốn trôi.

Trận mưa lớn tuần qua, Quảng Chu (Chợ Mới) là xã có một số công trình hạ tầng dân sinh bị thiệt hại do thiên tai, trong đó có cả cây nông nghiệp. Toàn xã có 86kg mạ giống mới gieo của bà con bị nước cuốn trôi. Ông Ma Văn Giai, ở thôn Bản Đén 1, người có 10kg mạ bị nước cuốn trôi cho hay: “Tôi và khoảng 05 hộ ở thôn vừa xuống mạ giống được 02 ngày thì nước to tràn về cuốn hết thóc mạ giống, lưới, cọc. Phải chờ tới khi nước rút, đến ngày 26/6 chúng tôi mới đi mua thóc giống về gieo lại".

Tương tự, hộ ông Ma Văn Nhân ở thôn Bản Đén 1 cũng mất khoảng 14kg thóc giống Khang dân do lũ cuốn trôi. “Nhìn nước cuốn mạ đi cũng xót lắm nhưng may mà còn trong thời vụ nên gia đình đã kịp gieo lại mạ”- ông Nhân chia sẻ. Bản Đén 1 có địa hình thoai thoải dốc, xung quanh chủ yếu là đồi và núi, đây cũng là vùng có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống.

Tại xã Mỹ Phương (Ba Bể) lũ quét đã làm ngập 20ha lúa xuân, trong đó khoảng 03ha gặt phơi ngoài ruộng bị lũ cuốn trôi. Bà Mã Thị Thương Oanh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Bể cho biết: “Bà con ở đây vẫn có thói quen gặt lúa xong phơi ngoài đồng, mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở thu hoạch theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” nhưng nhiều hộ không nghe. Những diện tích lúa bị thiệt hại đều gần với khu vực sông suối, khi gặp mưa to, nước lũ về nhanh, bà con trở tay không kịp. Đến nay, số diện tích thiệt hại đã được ngành chỉ đạo thống kê để đưa vào danh mục hỗ trợ sau thiên tai theo quy định”. Ngành Nông nghiệp huyện Ba Bể cũng khuyến cáo khi nước rút, với diện tích lúa, ngô bị đổ còn có khả năng thu hoạch thì cần buộc dựng lại và tranh thủ gặt hái.

Dân quân xã Bình Trung đã di dời toàn bộ người và tài sản hộ gia đình có người bị tử vong do sạt lở đất ở thôn Bản Pèo ra nơi ở an toàn hơn.

Dân quân xã Bình Trung đã di dời toàn bộ người và tài sản hộ gia đình có người bị tử vong do sạt lở đất ở thôn Bản Pèo ra nơi ở an toàn hơn.

Từ ngày 19-25/6 trên địa bàn toàn tỉnh có tới 30ha cây nông nghiệp, lâm nghiệp tại huyện Ba Bể, Chợ Mới, Pác Nặm bị nước cuốn trôi, gẫy đổ khiến nhiều hộ không còn khả năng thu hoạch; toàn tỉnh có 15 ngôi nhà bị ngập úng, đất sạt vào nhà. Nặng nề hơn tại xã Bình Trung (Chợ Đồn) còn thiệt hại về người, nhà cửa do đất sạt vùi lấp. Ông Hoàng Đức Thiện, Bí thư Đảng ủy xã Bình Trung cho biết: “Trường hợp bị đất lở vào nhà, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng dân quân hỗ trợ di dời các thành viên trong gia đình và thu dọn đồ đạc đến nơi an toàn ngay sau đó. Địa phương cũng chỉ đạo các thôn rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở cao, trong đó kiên quyết di dời 01 hộ dân ở thôn Nà Oóc ra nơi ở khác để đảm bảo an toàn cho người và tài sản trong mùa mưa bão năm nay.

Công tác khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống là nhiệm vụ cấp thiết, cần hết sức khẩn trương thực hiện sau khi xảy ra thiên tai ở các địa phương. Cùng với đó, chính quyền và ngành chw năng cần sát sao hơn nữa trong việc nắm tình hình, đưa ra những cảnh báo kịp thời để tránh thiệt hại về người, tài sản và hoa màu của Nhân dân./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/khoi-phuc-san-xuat-nong-nghiep-on-dinh-cuoc-song-sau-thien-tai-post53544.html