Khôi phục sản xuất rau màu sau bão đảm bảo nguồn cung cho thị trường

Do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua, nhiều diện tích gieo trồng, trong đó có rau màu của người dân trong tỉnh bị thiệt hại nặng. Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, người dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc, sản xuất rau màu, đảm bảo cung ứng cho thị trường trong thời gian tới.

Chị Lương Thị Bé, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn chăm sóc luống rau cải lai còn sót lại sau bão số 3

Chị Lương Thị Bé, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn chăm sóc luống rau cải lai còn sót lại sau bão số 3

Từ sáng sớm, chị Lương Thị Bé ở khối 8, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn đã tranh thủ ra ruộng vỡ đất để trồng lại các diện tích rau cải lai của gia đình vừa bị mất trắng trong cơn bão số 3 vừa qua. Mặc dù, hiện nay đất canh tác đang rất cứng, mất nhiều thời gian cày ải nhưng gia đình chị vẫn cố gắng khắc phục để kịp thời trồng, cung cấp rau ra thị trường trong vụ đông sắp tới.

Chị Bé chia sẻ: Do ảnh hưởng của bão số 3, gia đình tôi mất trắng gần 8 sào rau ngồng cải lai. Mọi năm đến thời điểm này, gia đình tôi đã có rau bán, cả vụ rau cũng thu được từ 50 - 60 triệu đồng. Hiện gia đinh đang làm đất trồng lại rau, cố gắng chăm sóc để khoảng 2 tháng nữa được thu hoạch.

Không chỉ riếng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, hiện nay nhiều hộ dân ở huyện Lộc Bình cũng đang bắt tay vào khôi phục sản xuất lại rau màu. Trong cơn bão số 3 vừa qua, huyện có trên 280 ha hoa màu bị thiệt hại, chủ yếu là rau xanh các loại. Sau khi bão tan, nông dân đã chủ động thu dọn ruộng vườn, chờ đất khô để gieo trồng vụ mới. Đến thời điểm này, cơ bản các hộ dân đã cày ải xong đất và gieo trồng các loại rau như: ngồng cải làn, cải ngọt, mùng tơi… để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Vi Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Lộc Bình cho biết: Bão số 3 gây thiệt hại diện tích rau màu khá lớn trên địa bàn, Phòng NN&PTNT huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân các biện pháp phục hồi sản xuất, vệ sinh đồng ruộng, làm đất, chuẩn bị giống, phân bón để trồng các loại cây như khoai tây, cải bắp và các loại rau màu khác, đảm bảo ổn định sản xuất. Cùng đó, phòng cũng khẩn trương rà soát, kiểm kê cụ thể diện tích thiệt hại về nông nghiệp, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo các điều kiện để hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại theo quy định.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn tỉnh thiệt hại trên 8.900 ha diện tích cây nông nghiệp, trong đó có 2.700 ha diện tích rau màu các loại. Nhiều diện tích rau màu chuẩn bị cho thu hoạch cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Để khôi phục sản xuất, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đồng hành cùng người dân khôi phục sản xuất.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sau bão, người dân đã rất chủ động khôi phục lại sản xuất rau màu nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Về phía ngành, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cử cán bộ xuống các địa bàn bị ảnh hưởng để hướng dẫn người dân biện pháp kỹ thuật khôi phục sản xuất rau màu sau bão. Hiện nay, nhiều vùng trồng rau màu đã xuống giống, đảm bảo nguồn cung rau xanh trong thời gian tới. Cùng với đó, sở cũng đề nghị các huyện, thành phố tổng hợp thiệt hại của người dân để phân bổ kinh phí cho các xã thực hiện hỗ trợ. Về mức hỗ trợ và trình tự, thủ tục hỗ trợ, thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 02/2027/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đến nay, chúng tôi đã tổng hợp xong nhu cầu kinh phí theo đăng ký của UBND các huyện, thành phố và báo cáo UBND tỉnh để xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ, trước mắt là thống nhất với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn sử dụng nguồn kinh phí từ nguồn Quỹ cứu trợ của tỉnh khoảng 80 tỷ đồng để triển khai thực hiện.

Những năm gần đây, rau màu đã mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, đặc biệt như rau cải làn, cải ngọt, ngồng cải bắp… không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong tỉnh mà còn trở thành loại rau đặc sản phục vụ khách du lịch khi đến với Lạng Sơn. Hiện nay, vùng trồng rau của tỉnh tập trung nhiều ở thành phố Lạng Sơn, Cao Lộc, Văn Quan, Lộc Bình…

Vụ đông năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 4.600 ha, trong đó có khoảng 2.600ha rau màu chủ yếu các loại.

Đến thời điểm này, với sự hướng dẫn của ngành chức năng cùng với sự tích cực của người dân việc sản xuất rau mau đang khẩn trương được triển khai, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho nhà nông.

HOÀNG HƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/tap-trung-san-xuat-rau-mau-dap-ung-thi-truong-tieu-thu-5024429.html