Khôi phục sản xuất sau mưa bão

Ngày 12.8, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Công văn số 973/SNN-TrTr về việc chỉ đạo sản xuất, khôi phục sản xuất sau mưa bão. Theo đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, từ ngày 10.8 đến ngày 12.8, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và kéo dài (lượng mưa trung bình từ 19h ngày 10.8 đến 19h ngày 11.8 là 152,9mm, từ 19h ngày 11.8 đến 7h ngày 12.8 là 63,5mm), đã làm cho một số diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả bị ngập úng cục bộ. Theo tổng hợp báo cáo nhanh ngày 12.8 của các huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh có khoảng 1.730ha rau màu, lúa, cây ăn quả bị ngập úng, trong đó diện tích lúa là 560ha, cây ăn quả là 830ha, rau màu, hoa cây cảnh là 340ha.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn tập trung chỉ đạo một số nội dung như sau:

1. Đối với công tác thủy lợi

- Kiểm tra, khơi thông dòng chảy; tiếp tục vận hành các trạm bơm bơm tiêu thoát nước cho những diện tích cây trồng còn bị ngập úng; khoanh vùng, lắp đặt máy bơm dã chiến để tiêu úng cho những khu vực ngập úng cục bộ, khu vực khó khăn về tiêu, nhất là các vùng có diện tích cây trồng bị ngập úng.

- Tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động khơi thông dòng chảy kênh nội đồng, rãnh thoát nước mặt ruộng, vườn để tạo thuận lợi cho việc tiêu rút nước; không để ngập úng kéo dài làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, nhất là diện tích hoa, cây cảnh, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

2. Đối với sản xuất trồng trọt

- Đối với diện tích lúa bị ngập úng: Phải tiêu, thoát nước thật nhanh, đảm bảo mực nước ruộng từ 3-5cm đối với ruộng lúa đang đẻ nhánh; 5-7cm đối với ruộng lúa đã đứng cái để cây lúa làm đòng được thuận lợi. Ngay sau khi nước rút phải tiến hành thu dọn tàn dư thực vật, lá lúa bị úa, hỏng; khi lúa hồi phục, ra lá mới mới được bón phân theo quy trình của từng giống lúa. Lưu ý: Chỉ đạo nông dân bón đón đòng đúng thời điểm, bón đủ lượng kali theo yêu cầu kỹ thuật của từng giống lúa; theo dõi sát dự báo thời tiết để bón phân đón đòng có hiệu quả, nếu ngay sau bón gặp mưa lớn thì phải bón lại.

- Đối với diện tích rau màu bị ngập úng nặng thì phải dọn vệ sinh đồng ruộng, lựa chọn các loại rau màu phù hợp với thời vụ để gieo trồng lại khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, nhất là các loại rau ngắn ngày. Với diện tích rau màu bị ngập, úng nhẹ, có khả năng phục hồi cần xới mặt luống để tạo độ thông thoáng, dọn tàn dư những cây bị hỏng, trồng dặm bảo đảm mật độ…; khi thời tiết tạnh, cây đã hồi phục thì mới bón các loại phân bình thường. Thu hoạch nhanh những diện tích cây rau, màu đến kỳ cho thu hoạch, tận thu những diện tích bị ảnh hưởng.

- Đối với cây ăn quả:

Chủ động thu hoạch những diện tích nhãn đã chín hoặc sắp chín nếu cây bị ngập, úng để cây hồi phục nhanh.

Phải gạn tháo ngay không để nước đọng vũng quanh gốc cây nhãn, cây ăn quả có múi, chuối và các loại cây ăn quả khác làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây và chất lượng quả.

Trên diện tích bị úng, không được chăm bón bất kỳ loại phân bón nào cho cây, phải chờ đất mặt vườn se, khô, cây hồi phục hẳn mới được tiến hành các biện pháp chăm sóc bình thường (theo quy trình kỹ thuật của từng loại cây).

Đề nghị Đài khí tượng thủy văn Hưng Yên, Đài PT-TH Hưng Yên, Báo Hưng Yên thường xuyên thông tin, dự báo chính xác, kịp thời diễn biến thời tiết, tình hình mưa dông, ngập úng… truyền tải trên phương tiện thông tin đại chúng để các địa phương và nông dân kịp thời ứng phó, bảo vệ sản xuất.

PV

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202208/khoi-phuc-san-xuat-sau-mua-bao-d034320/