Khôi phục xuất khẩu chè
Sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế của nhiều nước bắt đầu hồi phục, mở cửa trở lại. Ngành sản xuất, chế biến chè xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng bước đầu hồi phục sau một thời gian dài gián đoạn.
Công ty cổ phần Chè Sông Lô sau nhiều tháng chật vật tìm thị trường cho chè xuất khẩu, giờ đã bắt đầu nhộn nhịp khi số đơn hàng từ các bạn hàng quen thuộc tăng trở lại. Ông Vũ Đức Tráng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sông Lô phấn khởi, lượng chè xuất khẩu đến hết tháng 6 đã đạt 1.700 tấn, nếu so với cùng kỳ năm trước thì con số này tăng hơn 15%. Thị trường xuất khẩu chính của công ty vẫn tập trung tại các nước Indonesia, Afganistan, Nga và một số nước Đông Âu. Ngoài các đơn hàng mới, công ty đang tập trung sản xuất trả nợ các đơn hàng cũ từ trước dịch để hoàn thành các hợp đồng.
Chị Nguyễn Thị Loan, Quản đốc phân xưởng Chế biến chè, Công ty Chè Sông Lô cho biết, hiện mỗi ngày, nhà máy nhập trên 60 tấn chè búp tươi thu mua từ các vườn chè của doanh nghiệp và người dân. Diện tích vùng chè nguyên liệu của đơn vị hiện đạt trên 800 ha, nhờ các biện pháp thâm canh, tăng năng suất, nguồn nguyên liệu này cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất của đơn vị.
Theo phòng Quản lý xuất nhập khẩu và Hợp tác quốc tế, Sở Công thương, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chè 6 tháng đầu năm đạt gần 1,3 triệu USD. Con số này mặc dù chỉ đạt trên 24% so với kế hoạch năm, nhưng so với thời điểm đầu năm đã có những chuyển biến tích cực.
Công nhân Công ty cổ phần Chè Sông Lô kiểm tra chất lượng chèthành phẩm trước khi đóng gói xuất khẩu.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè xuất khẩu. Trong đó, ngoài các doanh nghiệp cổ phần như Công ty cổ phần Chè Sông Lô, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, Công ty cổ phần Chè Tân Trào, còn có sự tham gia của một doanh nghiệp ngoài quốc doanh là Công ty TNHH Thành Long (Sơn Dương). Ưu tiên lớn nhất của các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè trong thời điểm này là tập trung thâm canh, tăng năng suất, cải tạo những nương chè già cỗi bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao; đồng thời, tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ, vốn ưu đãi để đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Công ty TNHH Thành Long là doanh nghiệp ngoài quốc doanh duy nhất tham gia vào thị trường này. Không thuận lợi như Công ty cổ phần Chè Sông Lô, Công ty Thành Long còn tồn trên 260 tấn chè khô. Ông Nguyễn Trác Long, Giám đốc công ty cho biết, thị trường chủ yếu của Thành Long là Pakistan và Afganistan, ngoài yếu tố dịch bệnh, thì cuộc xung đột giữa 2 nước này cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc nhập khẩu chè. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trác Long nhận định, khó khăn trong xuất khẩu chè khô sang các nước Trung Đông chỉ là tạm thời. Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ chè của khu vực này vẫn rất lớn, nên thay vì việc mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc - một thị trường mà ông Long đánh giá là rất bấp bênh thì hiện đơn vị này vẫn ưu tiên cho thị trường cũ, đồng thời mở rộng sang thị trường Nga, Đài Loan để giải quyết lượng chè tồn kho của đơn vị. Hiện nay, ngoài thu mua, chế biến chè búp tươi, Công ty TNHH Thành Long cũng ưu tiên thu mua sản phẩm chè khô từ các cơ sở, doanh nghiệp nhỏ trong và ngoài địa bàn để chế biến sâu, đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu xuất khẩu ngay khi thị trường khơi thông.
Xuất khẩu nông sản của tỉnh nói riêng và của cả nước nói chung được nhận định là vẫn có bước tăng trưởng ổn định so với nhiều nước trong khu vực. Thời điểm này và những tháng cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất cần tận dụng tốt cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU mà Việt Nam vừa ký kết với các nước thuộc Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, theo Sở Công thương, để không mất cơ hội tại những thị trường truyền thống và các thị trường mới, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cần khai thác tốt thế mạnh, làm ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn, có như vậy mới không lo mất ưu thế hậu Covid-19.