Khối quân sự CSTO do Nga dẫn đầu nói sẽ điều quân sang Ukraine 'nếu cần thiết'
Tổng thư ký khối quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) cho biết khối sẽ gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới miền đông Ukraine nếu cần thiết.
Tổng thư ký khối quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu cho biết khối này có thể gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới khu vực miền đông Ukraine hiện do phe ly khai thân Nga kiểm soát, hãng Reuters đưa tin hôm 19-2.
Tình hình ở khu vực Donbass, miền đông Ukraine hiện đang căng thẳng sau khi thủ lĩnh các lực lượng ly khai tuyên bố huy động lực lượng và yêu cầu người dân sơ tán sang Nga. Động thái này diễn ra ngay sau khi có những đợt pháo kích nhằm vào khu vực này mà cả phía Ukraine và phe ly khai đều đổ lỗi cho nhau là thủ phạm.
Cần bao nhiêu gửi bấy nhiêu
Trong bối cảnh đó, trả lời phỏng vấn với Reuters, Tổng thư ký CSTO - ông Stanislav Zas cho biết tổ chức này có thể điều động lực lượng gìn giữ hòa bình tới Donbass nếu cần thiết.
Ông Zas nói rằng về mặt lý thuyết, việc triển khai quân có thể thực hiện nếu thỏa một vài điều kiện. Thứ nhất là thiện chí từ Ukraine vì suy cho cùng, đó là lãnh thổ của Ukraine nên quyết định là ở họ. Thứ hai là cần có sự ủy nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cuối cùng là phải được tất cả chính phủ các nước thành viên CSTO đồng thuận.
Trước đó, CSTO đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kazakhstan để giúp chính quyền vãn hồi trật tự sau khi cuộc biểu tình chống giá năng lượng tăng ở nước này biến thành bạo động. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử khối này triển khai lực lượng ở một nước thành viên thuộc Liên Xô cũ.
Cũng theo ông Zas, cách duy nhất để giải quyết tình hình căng thẳng ở Ukraine là bằng đàm phán.
Ông nói: "Tôi không tin rằng tình hình bây giờ sẽ trở lại như trước đây dù xe tăng và binh lính ở trong căn cứ và doanh trại. Cần phải hiểu được mức độ cần thiết của việc ngồi xuống và đồng thuận với nhau”.
Bên cạnh đó, ông Zas cho biết CSTO có một lực lượng 17.000 quân luôn sẵn sàng chiến đấu và một lực lượng gìn giữ hòa bình chuyên biệt với gần 4.000 binh sĩ.
Theo ông Zas, trong trường hợp cần thiết, CSTO có thể nhanh chóng triển khai số lượng lớn quân sĩ.
Ông nói: "Tin tôi đi, chúng tôi cần bao nhiêu thì có thể gửi bấy nhiêu. Nếu chúng tôi cần 3.000, chúng tôi sẽ gửi số đó. Nếu chúng tôi cần 17.000, chúng tôi cũng sẽ gửi được số lượng đó. Nếu chúng tôi cần nhiều hơn, sẽ có nhiều hơn”.
Reuters: Khả năng khó xảy ra lúc này
Ông Zas cho biết CSTO và các thành viên sẽ luôn cân nhắc kỹ lưỡng bất kỳ quyết định sử dụng vũ lực nào.
Ông khẳng định: "Chúng tôi có sức mạnh lớn trong tay. Tất cả chúng tôi đều hiểu rằng cần phải hết sức cẩn thận với con dao sắc nhọn này".
Theo Reuters, việc triển khai quân của CSTO tới Donbass dường như không thể xảy ra vào lúc này. Phương Tây luôn cho rằng khối CSTO là công cụ ảnh hưởng của Nga với các nước xung quanh.
Tuy nhiên, ông Zas bác bỏ ý kiến nói CSTO là một phương tiện để gia tăng ảnh hưởng của Nga. Ông dự đoán căng thẳng Đông-Tây sẽ vẫn ở mức cao nguy hiểm cho đến khi có một thỏa thuận về các đảm bảo an ninh mà Moscow đã gửi cho phương Tây nhiều tháng trước. Ông Zas cho rằng thỏa thuận này sẽ là vì lợi ích của khu vực và của CSTO.
Trong số yêu cầu về an ninh mà Moscow mong muốn phương Tây đồng ý là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không mở rộng về phía đông, không triển khai vũ khí tấn công ở Ukraine và các nước gần Nga và không cho Ukraine gia nhập NATO.
CSTO gồm sáu nước trước đây thuộc lãnh thổ của Liên Xô cũ gồm Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Trong đó, Nga có số quân ở CSTO nhiều nhất, với khoảng 900.000 người.