Khởi sắc Lạng Phong
Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi trở lại Lạng Phong (Nho Quan) nơi cách đây 77 năm vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và chỉ đạo Hội nghị điền chủ. Mỗi lời căn dặn của Người đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của các thế hệ cán bộ, Nhân dân xã Lạng Phong, để đến hôm nay, từ sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cho đến mỗi người dân, Lạng Phong đã và đang 'thay da đổi thịt', vươn lên mạnh mẽ.
"Nghĩa đồng bào, tình dân tộc"-lời căn dặn của Bác còn vang vọng mãi
Ngày 10 tháng 2 năm 1947, giữa lúc cuộc kháng chiến kiến quốc diễn ra cam go, quyết liệt, để kêu gọi toàn dân ủng hộ kháng chiến, Bộ Canh nông tổ chức Hội nghị Điền chủ tại nhà ông Quách Đình Hy (lúc đó ông đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã) ở làng Sào Thượng, xã Lạng Phong. Hội nghị vinh dự được đón Bác Hồ về dự và phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu với Hội nghị, Người giải thích rõ với các vị đại biểu vì sao ta phải vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Bác nhấn mạnh, trong lúc này phải nêu cao tình nghĩa đồng bào, tình dân tộc, chẳng những giúp cho đồng bào tản cư có cơm ăn, chỗ ở mà còn giúp đồng bào có việc làm để sinh sống.
Thông suốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đại biểu, các điền chủ nói chung và nhân dân xã Lạng Phong nói riêng đã giúp đồng bào tản cư ổn định cuộc sống và tiến hành sản xuất, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đồng chí Lê Thị Hoa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lạng Phong cho biết: Lời căn dặn của Người về nghĩa đồng bào, tình dân tộc luôn là kim chỉ nam cho các hoạt động của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lạng Phong. Tinh thần đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Lạng Phong, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội để chăm lo tốt hơn đời sống của người nghèo.
Theo đó, để giúp đỡ hộ nghèo, Mặt trận,
các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể như: vận động hội viên phụ nữ nuôi lợn nhựa tiết kiệm giúp đỡ phụ nữ nghèo; hội viên nông dân xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo; Đoàn Thanh niên phối hợp với Hội Cựu chiến binh triển khai Chương trình "Xây dựng thế hệ trẻ giàu lòng yêu nước, có lý tưởng cách mạng, có lối sống đẹp, có bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam"; phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"…
Minh chứng cho tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của người dân, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã đã dẫn chúng tôi đến thăm gia đình bà Lã Thị Nguyệt, 69 tuổi, thôn Tam Đồng-một trong những hộ nghèo được hỗ trợ sửa nhà ở.
Hôm chúng tôi đến thăm cũng là lúc gia đình đang tiến hành tháo dỡ, sửa sang lại phần mái nhà. Tại đây đã có rất đông bà con trong thôn cùng tham gia phụ giúp đội thợ xây sớm hoàn thành việc sửa chữa nhà ở cho bà Nguyệt.
Vừa nhanh tay chuyền những viên gạch phụ giúp đội thợ, bà Hoàng Thị Lũy, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Tam Đồng chia sẻ: Các gia đình khó khăn đều được ban chi ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức trong thôn vận động hội viên, nhân dân tham gia giúp đỡ bằng nhiều hình thức như: giúp ngày công, giúp cây, con giống và hướng dẫn cách làm ăn để họ từng bước vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là cách mà mỗi người dân thôn Tam Đồng cụ thể việc học, làm theo Bác về tinh thần thương thân, tương ái, nhất là lời căn dặn của Người khi về thăm Lạng Phong về nghĩa đồng bào, tình dân tộc.
Người dân thôn Tam Đồng tham gia hỗ trợ gia đình bà Lã Thị Nguyệt sửa chữa nhà ở.
Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các nhà hảo tâm, đã phát huy tinh thần đoàn kết, truyền thống "lá lành đùm lá rách" để từ đó khơi dậy trong mỗi người nghèo ý thức tự lực, không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Lạng Phong chỉ còn 0,7%.
Đồng lòng xây dựng cuộc sống mới
Năm 2014 xã Lạng Phong là xã đầu tiên của huyện Nho Quan về đích xây dựng nông thôn mới. Phát huy những thành quả đạt được, với ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Lạng Phong đã có nhiều cách làm hay, linh hoạt, qua đó khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và huy động sự chung sức, đồng lòng của người dân để cùng hướng về mục tiêu xây dựng cuộc sống mới ngày một tốt đẹp hơn.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lạng Phong chia sẻ: Lạng Phong thuộc vùng bán sơn địa nằm trong vùng trũng của đê Năm Căn, vì vậy không có tiềm năng nào khác ngoài đồng ruộng và con người. Theo đó, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tiềm năng đất đai, lao động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; động viên nhân dân chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đưa các cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nâng giá trị thu nhập trên một ha canh tác; xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Chủ trương này của xã được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nông dân xã Lạng Phong đã có những đổi mới căn bản về nhận thức, hăng hái tiếp thu khoa học kỹ thuật, dám nghĩ, dám làm, dám thử nghiệm những tiến bộ mới.
Đến nay, xã đã chuyển đổi hơn 26ha diện tích đất trũng (thôn Tràng An, Bách Hoàn) trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản cho thu nhập 400-500 triệu đồng/ha. Trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả như: mô hình nuôi chim bồ câu cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng; mô hình nuôi cá trắm giòn cho thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng/ha; mô hình hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn của Hội nông dân; mô hình nuôi tôm càng xanh cho thu nhập trên 400 triệu đồng/ha... Bên cạnh đó, các ngành nghề phụ như chế biến lương thực, thực phẩm, cơ khí, nề, mộc và các loại hình dịch vụ thương mại… cũng được xã tạo mọi điều kiện phát triển, từng bước nâng cao đời sống cho người dân.
Cùng với đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với phương châm "lấy sức dân làm đẹp cho dân", xã đã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và huy động sự đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó, nhân dân đã tự nguyện hiến đất và hàng nghìn ngày công để làm đường giao thông.
Chị Nguyễn Thị Thúy Nguyệt, xã Lạng Phong cho biết: Năm 2023, khi xã có chủ trương huy động sự đóng góp của người dân cùng với sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước để nâng cấp, mở rộng tuyến đường thôn Tam Đồng, người dân trong thôn rất đồng tình. Gia đình tôi cũng như các hộ sinh sống ở hai bên đường đã tự nguyện hiến đất. Người hiến ít nhất là 10 m2, người nhiều lên đến hàng chục mét vuông. Đến nay, đường của thôn đã được mở rộng từ 2m-5m và được nâng cấp đổ bê tông, việc đi lại của nhân dân đã thuận tiện hơn rất nhiều, chúng tôi rất phấn khởi.
Cùng với phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa, xã hội của xã cũng có nhiều tiến bộ, các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hoạt động thường xuyên, thu hút sự tham gia của đông đảo Nhân dân. Chất lượng giáo dục học sinh các cấp trên địa bàn ngày càng tăng, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, trạm y tế được đầu tư nâng cấp đồng bộ và đạt chuẩn.
Phát huy những thành quả đạt được, Đảng bộ và Nhân dân xã Lạng Phong đã nỗ lực phấn đấu, huy động các nguồn lực và sau 8 năm thực hiện duy trì, củng cố nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, đến tháng 12/2022 xã Lạng Phong được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao.
Đến nay xã đã có 3/9 thôn được công nhận thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 64 triệu đồng/năm. Diện mạo nông thôn ở Lạng Phong ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc, qua đó củng cố vững chắc hơn niềm tin của Nhân dân với các cấp ủy Đảng, chính quyền.
Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khoi-sac-lang-phong/d20240606152747800.htm