Huyện Lạc Thủy là một trong những vùng kinh tế động lực của tỉnh, nông nghiệp, nông thôn đang có những khởi sắc. Đây là nền tảng quan trọng giúp huyện từng bước cải thiện bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.
Your browser does not support the audio element.
Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng ở thôn Chợ Đập, xã An Bình (Lạc Thủy) cho ra mắt thị trường sản phẩm gà bèo Lạc Thủy (loại gà cho ăn 40% thức ăn là bèo tấm). 6 tháng đầu năm, mặc dù phải vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch bệnh nhưng huyện vẫn đạt được kết quả sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021 hiệu quả. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm thực hiện hơn 4.600 ha, vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, diện tích lúa gieo cấy hơn 1.500 ha, đạt 111,6% kế hoạch. Các loại cây màu như: Ngô, khoai, sắn, lạc, đậu tương, mía, rau các loại và cây hàng năm đạt hơn 3.000 ha. Các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao duy trì, phát triển diện tích tốt như: cây ăn quả có múi đạt hơn 1.300 ha; nhãn đạt 50 ha; na đạt hơn 100 ha; chè đạt hơn 250 ha; rau công nghệ cao đạt 5 ha. Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm cơ bản đạt kế hoạch đề ra, nổi bật như gia cầm hơn 885.000 con, dê hơn 6.800 con. Thế mạnh của huyện về phát triển đàn ong mật cũng được thực hiện hiệu quả với trên 500 hộ nuôi ong, số lượng trên 10.000 đàn, cho sản lượng 6 tháng đầu năm đạt khoảng 80 tấn, tập trung chủ yếu ở các xã: Yên Bồng, Khoan Dụ, Đồng Tâm, Thống Nhất, An Bình, thị trấn Chi Nê. Đồng chí Ngọ Đình Tâm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: "Sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2020 - 2021 trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Nguồn cung vật tư nông nghiệp dồi dào, đa dạng chủng loại. Công tác chỉ đạo sản xuất được các cấp, ngành, đơn vị quan tâm. Công tác khuyến nông - khuyến lâm, dự tính dự báo sâu bệnh, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được thực hiện tốt. Hoạt động của hệ thống khuyến nông viên cơ sở được tăng cường, nhất là công tác chuyển giao, ứng dụng KH-KT triển khai hiệu quả. Các công trình thủy lợi cơ bản tích nước đảm bảo phục vụ sản xuất. Cùng với đó, người dân tích cực sản xuất, duy trì số lượng, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, mạnh dạn đưa vào sản xuất các mô hình chăn nuôi mới, chú trọng hình thành vùng sản xuất hàng hóa theo quy hoạch gắn với nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Bên cạnh đó, hoạt động của HTX nông nghiệp được duy trì hiệu quả, góp phần tăng trưởng tỷ trọng nông nghiệp của huyện. Toàn huyện có 51 HTX nông - lâm - thủy sản, điển hình như HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy của anh Bùi Đông Giang, thôn An Sơn 1, xã An Bình; HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Đức của anh Bùi Minh Đức, thôn Bột, xã Phú Thành; HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng ở thôn Chợ Đập, xã An Bình… Trong đó, HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy của anh Bùi Đông Giang là tiêu biểu trong chăn nuôi theo mô hình khép kín, trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương được khách hàng trong, ngoài tỉnh ưa chuộng. Huyện hiện quản lý, phát triển 4 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ, gồm: Nhãn hiệu tập thể cam Lạc Thủy, nhãn hiệu chứng nhận gà Lạc Thủy, na Lạc Thủy và dê Lạc Thủy, hiện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm chè Sông Bôi. Ngoài ra, huyện có 10 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh xếp hạng, trong đó, 2 sản phẩm được công nhận 4 sao, 8 sản phẩm được công nhận 3 sao. 6 tháng đầu năm, có 8 cơ sở sản xuất nông nghiệp đăng ký hỗ trợ chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Đối với vấn đề quảng bá sản phẩm nông nghiệp của địa phương, huyện chủ động mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, hữu cơ, vệ sinh an toàn thực phẩm và quản lý, duy trì hiệu quả website nông sản Lạc Thủy. Từ đó, tạo đà cho ngành nông nghiệp huyện phát triển bền vững, đem lại thu nhập cao cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Thanh Sơn