Khởi sắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư đồng bộ từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đến các chương trình xây dựng nông thôn mới và chính sách an sinh xã hội, chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)…; đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS ở Di Linh đã đạt những kết quả đáng khích lệ, diện mạo nông thôn ngày càng được khởi sắc.

Một góc xã vùng sâu Sơn Điền

Một góc xã vùng sâu Sơn Điền

Di Linh là huyện có số lượng đồng bào DTTS đông nhất trong toàn tỉnh, với 64.131 người, chiếm 39% dân số trong toàn huyện, có nhiều xã đồng bào DTTS chiếm trên 90%.

Từ năm 2016 đến nay, huyện đã được đầu tư kinh phí 226,9 tỷ đồng, xây dựng, nâng cấp gần 108 km đường giao thông. Toàn huyện đã cải tạo, sửa chữa nâng cấp 9 hồ chứa, 2 đập tích nước, phát triển 285 ao, hồ nhỏ, nâng tổng số lên 50 công trình thủy lợi (36 hồ chứa, 14 đập dâng); trên 5.000 ao, hồ nhỏ và hơn 3.000 giếng khoan cùng với hệ thống sông, suối tự nhiên tạo ra hệ thống thủy lợi liên hoàn, đồng bộ, chủ động việc điều tiết tưới nước cho cây trồng. Hệ thống cơ sở vật chất trường học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, từng bước đảm bảo theo tiêu chuẩn nông thôn mới và gần 100% số hộ dân vùng đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia. Mạng lưới y tế ở các xã vùng đồng bào DTTS không ngừng được củng cố, đảm bảo đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Bên cạnh đó, cùng với việc hỗ trợ các hộ thuộc diện khó khăn về nhà ở xây dựng 173 căn nhà, thì địa phương còn tập trung vận động Nhân dân chỉnh trang nhà ở, sân, hàng rào.

Trong giai đoạn 2014-2019, Chương trình 135 đã được đầu tư với tổng nguồn vốn trên 35,6 tỷ đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng và hỗ trợ phát triển sản xuất. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, huyện Di Linh còn thực hiện các chương trình, chính sách theo Quyết định 755/QĐ-TTg, Quyết định 2085/QĐ-TTg, “Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS nghèo tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn”. Qua triển khai, đã có khoảng 5.000 hộ thụ hưởng được hỗ trợ cấp nước sinh hoạt, phân bón, các nông cụ sản xuất, vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, tạo động lực cho đồng bào vươn lên thoát nghèo.

“Cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận của bà con, nên tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực như: kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đồng bộ; tinh thần đoàn kết dân tộc, tôn giáo được củng cố và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao và tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm đáng kể”

Ông K’Broi - Phó Bí thư Huyện ủy Di Linh

Song song việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, huyện Di Linh đã thực hiện tốt công tác khuyến nông, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS. Trong giai đoạn 2014-2019 huyện đã tổ chức 22 cuộc hội thảo đầu bờ và hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao áp dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) về trồng trọt và chăn nuôi, gắn với chương trình khuyến nông cho trên 12.700 lượt người tham dự. Đồng thời, huyện cơ bản đã hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp - lâm nghiệp, đầu tư thực hiện có hiệu quả 3 mục tiêu trong vùng đồng bào DTTS: xây dựng vườn hộ - chăn nuôi - quản lý bảo vệ rừng. Bên cạnh cây trồng chủ lực là cà phê thì nhiều loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bơ, mắc ca, hồ tiêu, dâu tằm… đã được bà con phát triển trồng xen, nhằm nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.

Đến nay, trong số 207 thôn, tổ dân phố trên địa bàn, với 84 thôn, tổ dân phố có đồng bào DTTS thì chỉ còn 26 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; nếu cuối năm 2015, số hộ nghèo đồng bào DTTS còn 2.463 hộ (chiếm tỷ lệ 18,06%) thì đến cuối năm 2019 giảm còn 4%.

Theo đánh giá của ông K’Broi - Phó Bí thư Huyện ủy Di Linh: Hiện nay điều kiện kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào DTTS còn có những khó khăn nhất định, thời gian tới, ngoài việc tập trung thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ đồng bào DTTS để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thì địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn để nâng cao hiệu quả. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo xây dựng toàn diện vùng đồng bào DTTS huyện thường xuyên tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể… triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình, nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu giúp Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo toàn diện về công tác dân tộc, nhất là công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trong vùng DTTS tiết kiệm chi tiêu cho đầu tư phát triển sản xuất; xóa bỏ dần các phong tục, tập quán không còn phù hợp; đẩy mạnh áp dụng KHKT vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao…”.

NDONG BRỪM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202008/chao-mung-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-huyen-di-linh-lan-thu-xv-nhiem-ky-2020-2025-khoi-sac-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-3017091/