Khởi sắc ở vùng non Tản
Ba Vì là mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, được thiên nhiên ưu đãi, tài nguyên du lịch dồi dào. Sau 15 năm kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2023), du lịch Ba Vì ngày càng khởi sắc và khẳng định vị thế của một ngành kinh tế mũi nhọn.
Vùng đất cổ giàu tiềm năng
Nét đặc trưng, độc đáo làm nên bản sắc của Ba Vì được hình thành dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa của 3 dân tộc anh em Kinh, Mường, Dao; trong đó kho tàng di sản văn hóa phi vật thể được bảo lưu và trao truyền qua các thế hệ đã tạo nên nét độc đáo của xứ Đoài và vùng non Tản linh thiêng. Đó là những tập tục cổ truyền của người Dao quần chẹt như Tết nhảy, lễ cấp sắc; là những nghi lễ dân gian mang đậm giá trị nhân sinh quan đặc sắc gắn liền với đời sống tinh thần của người Mường, trong đó, tín ngưỡng mo Mường mới đây được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, không thể không kể tới tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn thánh - một trong “tứ bất tử” linh thiêng của người Việt và là tín ngưỡng độc đáo chỉ có ở Ba Vì với 120 di tích thờ ngài. Cùng với đó là 126 di sản văn hóa phi vật thể cùng nhiều di chỉ khảo cổ học thời kỳ đồ đá, đồ đồng cho thấy bề dày lịch sử, văn hóa của vùng đất này.
Ba Vì sở hữu 397 di tích, trong đó có 130 di tích đã được xếp hạng, tiêu biểu như đình Tây Đằng và đình Chu Quyến, cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ thờ Tam vị Tản Viên Sơn thánh, đền thờ Bác Hồ, Khu di tích lịch sử K9...
Nhờ được thiên nhiên ưu đãi, lại được bao bọc bởi hai con sông lớn là sông Hồng và sông Đà tạo nên mạng lưới thủy văn độc đáo cùng hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng nên Ba Vì được ví như “lá phổi xanh” của Thủ đô. Nơi đây có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và là điểm đến được ưa thích của nhiều du khách như Vườn quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, hồ Tiên Sa, Thiên Sơn - Suối Ngà, hồ Suối Hai, hồ Cẩm Quỳ, rừng nguyên sinh Bằng Tạ - Đầm Long, suối khoáng nóng Thuần Mỹ... Ngoài ra, nơi đây có các trang trại gắn với nhiều sản phẩm nông nghiệp là đặc sản của vùng núi Tản như khoai lang Đồng Thái, mật ong hoa rừng Tản Viên Ba Vì, bưởi Yên Bài, tương Khê Thượng, rượu mơ Tản Viên...
Phát huy giá trị tài nguyên du lịch
Những lợi thế nói trên đã tạo nên nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, giúp Ba Vì hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - tâm linh... Đến nay, trên địa bàn huyện Ba Vì có 4 khu du lịch cấp thành phố là Ao Vua, Tản Đà, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà; 9 khu, điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp và 161 cơ sở kinh doanh lưu trú. Trong đó, sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hoạt động có hiệu quả nhất; du lịch cộng đồng cũng được hình thành và phát triển mạnh mẽ.
Chia sẻ về sự phát triển du lịch sau 15 điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết: “15 năm qua, du lịch Ba Vì đã đón 31.880.760 lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 - 7%/ năm, doanh thu đạt 3.042 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng từ 8 - 10%/năm. Sau khủng hoảng do dịch Covid-19, du lịch Ba Vì đã thích ứng linh hoạt và dần phục hồi. Năm 2022, huyện đã đón 2 triệu lượt khách; doanh thu đạt 310,7 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2023, Ba Vì đón khoảng 1.497.000 lượt khách, dự kiến thu 202 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh của các đơn vị du lịch không những đem lại lợi ích cho Nhà nước và người dân mà còn đem lại hiệu quả lớn đối với phát triển kinh tế vùng như thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng tăng tỷ trọng nhóm ngành du lịch dịch vụ (55,5% năm 2022), giảm nhóm ngành nông - lâm nghiệp; tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương; tiêu thụ hàng hóa, nông sản có giá trị của nhân dân trong vùng; nhiều nghề thủ công, mỹ nghệ dân gian được phục hồi phát triển. Đời sống của nhân dân trong vùng dần được cải thiện...”.
Để du lịch Ba Vì phát triển đúng hướng và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ông Lê Khắc Nhu cho biết, Ba Vì sẽ tăng cường đầu tư nâng cấp các sản phẩm đã có như khai thác tối đa yếu tố sinh thái tự nhiên, địa chất địa hình, bản sắc văn hóa và làng nghề truyền thống để xây dựng, nâng cấp các sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe và du lịch văn hóa. Huyện khuyến khích xây dựng các sản phẩm mới như lễ hội hoa, lễ hội ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, hoạt động trải nghiệm văn hóa; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch mạo hiểm, du lịch đường sông (nhất là sông Đà); xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp - nông thôn; du lịch trải nghiệm - học đường; du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch lễ hội - ẩm thực ở các xã: Yên Bài, Vân Hòa, Ba Vì, Ba Trại, Cổ Đô, Minh Quang nhằm đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng, độc đáo, hấp dẫn, đồng thời phát triển du lịch Ba Vì gắn với thương hiệu “xanh” và bền vững.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khoi-sac-o-vung-non-tan-636752.html