Khởi sắc ở xã vùng biên

Đầu năm 2016, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh còn 45 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo, trong đó 12 hộ nghèo dân tộc thiểu số. Sau 5 năm, Lộc Thạnh trở thành xã thứ 2 của huyện (sau thị trấn Lộc Ninh) công bố quyết định xóa hoàn toàn hộ nghèo giai đoạn 2016-2020.

“LÁ LÀNH ĐÙM LÁ RÁCH”

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã biên giới Lộc Thạnh đã vận dụng nhiều chính sách, giải pháp ưu đãi đối với người nghèo toàn xã. Giai đoạn 2016-2020, UBND xã Lộc Thạnh đã vận động xây 11 căn nhà cho hộ nghèo, tổng trị giá gần 650 triệu đồng, trong đó 11 hộ nghèo đối ứng 190 triệu đồng. Chính quyền xã Lộc Thạnh cũng chung tay phối hợp thực hiện các chính sách an sinh xã hội như: hỗ trợ cấp bảo hiểm y tế miễn phí; hỗ trợ tiền điện, giáo dục; thực hiện vay vốn hộ nghèo và đào tạo nghề giải quyết việc làm.

Lãnh đạo huyện Lộc Ninh và xã Lộc Thạnh trao quyết định thoát nghèo cho 17 hộ trong xã

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đoàn thể xã, Lộc Thạnh còn phát huy hiệu quả sự hỗ trợ đắc lực trong công tác giảm nghèo từ những mô hình phát triển kinh tế khá, giỏi trong vùng. Mô hình kinh tế chăn nuôi gà, vịt thương phẩm của hộ anh Nguyễn Anh Thái ở ấp Thạnh Biên là một điển hình trong sản xuất - kinh doanh giỏi, luôn chăm lo, hướng tới người nghèo. Triển khai mô hình từ năm 2014 với quy mô 2 chuồng nuôi nhỏ chứa khoảng 500 con gà, sau 6 năm, hiện anh Thái đã đầu tư thêm 6 chuồng quy mô lớn dưới tán cây cao su để nhân đàn gà, vịt lên hơn 20 ngàn con. Hầu như tháng nào gia đình anh Thái cũng xuất bán khoảng 3.000 con gà và 2.000 con vịt, tổng doanh thu khoảng 700 triệu đồng. Mô hình nuôi gà, vịt của gia đình anh Thái là địa chỉ cung cấp giống chất lượng với giá ưu đãi cho các hộ có nhu cầu chăn nuôi. Anh còn là trưởng nhóm hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc gà, vịt cho người dân trong vùng.

Ðối với Lộc Ninh, đầu năm huyện còn 1.300 hộ nghèo, 1.200 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Ðời sống người dân còn nhiều khó khăn. Bên cạnh chú trọng phát triển hạ tầng, kinh tế, huyện rất quan tâm chính sách thoát nghèo. Trong đó, giải pháp các xã đang hướng tới áp dụng là lấy người dân làm trung tâm và tự ý thức, chủ động vươn lên thoát nghèo. Giai đoạn 1, chúng tôi áp dụng 100 hộ nếu tự nguyện thoát nghèo sớm sẽ tặng 2 triệu đồng/hộ theo nguồn vận động. Tháng 7 vừa qua, toàn huyện đã có 100 hộ tự nguyện viết đơn thoát nghèo. Sắp tới, Lộc Ninh tiếp tục phát triển quỹ khát vọng thoát nghèo để người dân chủ động hơn. Ðây sẽ là yếu tố thoát nghèo mang tính bền vững cao.

Ông Lê Trường Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hương ở ấp Thạnh Biên cũng là “bà đỡ” của người nghèo vùng biên giới xã Lộc Thạnh. Xuất phát điểm thấp, nhờ chịu khó lao động và tích cóp, hộ chị Hương đã đầu tư mua được vườn rẫy với tổng 5 ha trồng xen các loại điều, tiêu, cao su, bưởi da xanh. Hơn 2 năm nay, chị Hương còn đầu tư chuồng trại nuôi dê. Từ 5 con dê ban đầu, nay đàn dê đã lên 40 con, trong đó có 20 con dê cái sinh sản. Mô hình đa canh, đa con của gia đình chị Hương mang về thu nhập gần 400 triệu đồng/năm. Với thành quả và kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm, chị Hương sẵn sàng hỗ trợ vốn, con giống và kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt cho những hộ khó khăn trong vùng để vươn lên thoát nghèo.

KHƠI KHÁT VỌNG THOÁT NGHÈO

Ông Bùi Bá Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thạnh cho biết: Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng tôi luôn có các biện pháp để khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của hộ nghèo. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, các buổi họp thôn, ấp; đội ngũ bí thư chi bộ, ban điều hành ấp, ban công tác mặt trận cơ sở đến tận nhà các hộ nghèo để nói về lợi ích của việc giảm nghèo, cách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, các mô hình giảm nghèo. Qua đó, khơi dậy khát vọng thoát nghèo của mỗi hộ dân. Đến nay, công tác giảm nghèo của xã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua từng năm.

Đầu năm 2020, toàn xã có 18 hộ nghèo/38 người. Tháng 2-2020 có 1 hộ tự nguyện xin thoát nghèo. Tháng 7 vừa qua, 17 hộ còn lại cũng tự nguyện xin thoát nghèo. Và theo chương trình khát vọng thoát nghèo của UBND huyện Lộc Ninh, mỗi hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo sẽ được nhận 2 triệu đồng. Việc 17 hộ tự nguyện xin thoát nghèo đã giúp Lộc Thạnh không còn hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 theo đề án. Tuy nhiên, đây là kết quả bước đầu, cán bộ, nhân dân Lộc Thạnh vẫn tiếp tục chung tay chống tái nghèo.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/khoi-sac-o-xa-vung-bien-45298