Khởi sắc phong trào khuyến học ở vùng đồng bào công giáo
Được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các cấp hội khuyến học cùng sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài (KH, KT) trong tỉnh nói chung, vùng đồng bào công giáo nói riêng đã có nhiều khởi sắc.
Từ chỗ không có người đỗ đại học và cao đẳng, đến nay, cả thôn Chính Nghĩa, xã Nga Phú (Nga Sơn) đã có hàng trăm người đã và đang học đại học, cao đẳng, trung cấp. Đây là thành quả của việc ra đời chi hội khuyến học và tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập, công dân học tập theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Được biết, thôn Chính Nghĩa có hơn 98% đồng bào công giáo. Những năm 2000 trở về trước, việc học hành của con em trong các gia đình chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ học sinh trong thôn bỏ học giữa chừng cao. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cấp ủy, ban công tác mặt trận thôn, nhất là từ khi chi hội khuyến học thôn được thành lập năm 2001, việc học tập của con em các gia đình trong thôn từng bước được quan tâm, đầu tư. Đặc biệt, khi triển khai thực hiện chủ trương xây dựng các mô hình học tập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngành chức năng, chính quyền địa phương, phong trào học tập trong thôn không ngừng được nâng cao. Nhiều gia đình, dòng họ trong thôn đã thành lập được quỹ khuyến học để động viên con cháu học tập như dòng họ Lê, họ Trần... Đây vừa là điều kiện, vừa là tiền đề quan trọng để thôn Chính Nghĩa được công nhận là cộng đồng học tập.
Không chỉ thôn Chính Nghĩa, các khu dân cư thuộc đồng bào công giáo trên địa bàn huyện Nga Sơn đã, đang phát triển mạnh mẽ phong trào KH, KT như: Khu dân cư Tuân Đạo xã Nga Vịnh, khu dân cư Tây Sơn xã Nga Liên... Theo đại diện Hội khuyến học huyện Nga Sơn, với hơn 1/2 tổng số xã, thị trấn trong huyện có đồng bào công giáo, Hội khuyến học huyện đã đặc biệt quan tâm và dành nhiều thời gian, tâm huyết cho phong trào KH, KT ở địa phương vùng giáo. Ngoài vận động phát triển hội viên, xây dựng quỹ khuyến học, thành lập các chi hội, ban khuyến học, huyện Hội còn đẩy mạnh các phong trào thi đua, như xây dựng gia đình, dòng họ, khu dân cư học tập, công dân học tập. Hiện, các khu dân cư thuộc vùng giáo đều thành lập và duy trì phong trào “Tiếng kẻng khuyến học”, “Tiếng trống khuyến học”...
Tại huyện Vĩnh Lộc, phong trào KH, KT cũng đã phát triển sâu rộng ở các vùng đồng bào công giáo như thôn Đồng Mực, xã Vĩnh Hùng; các thôn Bồng Trung 1, Bồng Trung 2... ở xã Minh Tân; thôn Pháp Ngỡ, xã Vĩnh Hòa; khu phố Thành Nhân, Nhân Lộ và Đún Sơn, thị trấn Vĩnh Lộc... Ông Trần Đức Ngân, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học phố Thành Nhân, thị trấn Vĩnh Lộc chia sẻ: “Làm công tác khuyến học nếu chỉ nhiệt tình thôi thì chưa đủ mà phải sâu sát cơ sở mới đem lại hiệu quả. Đặc biệt ở vùng đồng bào công giáo với nhiều cái khó về nhận thức người dân, về điều kiện kinh tế... người làm khuyến học càng phải sâu sát, tuyên truyền, vận động Nhân dân, nói để dân hiểu, dân đồng thuận cùng nhau tham gia phong trào”.
Với suy nghĩ đó, cùng những cách làm thiết thực, hiệu quả, ông Ngân đã cùng với tập thể chi hội, các đoàn thể trong phố đưa phong trào khuyến học của phố ngày một phát triển. Nhiều gia đình, dòng họ thuộc đồng bào công giáo mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn song vẫn quan tâm, cố gắng cho con cái theo học. Tiêu biểu như các gia đình ông: Khổng Văn Ngân, Vũ Văn Thuận, Nguyễn Quốc Giang, chị Bùi Thị Bích... Ông Khổng Văn Ngân cho biết: “Tôi luôn tâm niệm cho con chữ nghĩa, có nghề nghiệp ổn định quý giá hơn bất cứ của cải gì. Vì vậy, dù khó khăn đến đâu, vợ chồng tôi cũng tạo điều kiện và động viên các con cố gắng, phấn đấu học hành”. Hiện, 2 trong 3 người con của ông Ngân đã tốt nghiệp đại học, có việc làm, thu nhập ổn định.
Hay như trường hợp của chị Bùi Thị Bích, chồng mất sớm, để lại cho chị 3 người con đang tuổi ăn, tuổi học, cháu lớn học lớp 10, cháu nhỏ học lớp 3. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhưng chị Bích chưa bao giờ nghĩ đến việc cho các con nghỉ học. Để có tiền chăm lo cho việc học hành của con, ngoài giờ làm ở công ty may, chị Bích còn tranh thủ ngày nghỉ, chủ nhật đi phụ bán hàng tạp hóa để kiếm thêm thu nhập. Thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình, các con của chị luôn nỗ lực vượt qua tất cả để học tập. Với thành tích học tập xuất sắc, mới đây cháu đầu của chị Bích đã được nhận học bổng của gia đình Giáo sư Lê Viết Ly.
Tại nhiều huyện khác trong tỉnh như: Đông Sơn, Thạch Thành, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn..., phong trào này cũng đang từng bước phát triển, làm thay đổi nhận thức trong giáo dân về việc chăm lo cho con cái học hành, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục và khẳng định vai trò của công tác KH, KT trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà.