Khởi sắc vùng cao Thuận Châu

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chúng tôi ngược tỉnh lộ 108 lên các xã vùng cao của huyện Thuận Châu. Sắc xuân ngập tràn trên khắp núi đồi, bản làng, những nếp nhà thấp thoáng xen lẫn những cây đào phai rực rỡ; người dân hân hoan đón tết, xuân về.

Được ví là trung tâm của 6 xã vùng cao, Co Mạ những ngày này, mặc dù giá rét, nhưng đồng bào ở các bản xuống chợ từ sớm. Nhộn nhịp nhất là những cửa hàng bán đồ công nghệ, điện tử, nhiều người mua sắm ti vi, điện thoại di động, đồ điện gia dụng.

Trung tâm xã Co Mạ.

Trung tâm xã Co Mạ.

Ông Vì A Sềnh, Chủ tịch UBND xã Co Mạ, phấn khởi nói: Năm qua, xã vừa thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế. Nhờ các chính sách của Đảng, nhà nước và ý chí tự vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh. Đón Tết Nhâm Dần, Đảng bộ, chính quyền xã đã hỗ trợ các phần quà gồm vật dụng, thực phẩm thiết yếu cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để ai cũng được vui xuân đón tết ấm no, đủ đầy.

Đặt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, xã Co Mạ đã vận động bà con đưa các loại cây giống mới vào trồng, như: Xoài, nhãn và các loại cây dược liệu; tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cả xã hiện có 300 ha cây sơn tra, trên 150 ha nhãn, xoài, chanh leo; chăm sóc, bảo vệ 7.273 ha rừng, khoanh nuôi 41.33 ha rừng tái sinh. Phát huy lợi thế, người dân xã Co Mạ đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc, tạo điều kiện để người dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do các đơn vị chuyên môn trong huyện tổ chức, triển khai công tác tiêm phòng dịch bệnh theo đúng kế hoạch đề ra. Nhờ đó, ngày càng có nhiều hộ chăn nuôi đại gia súc theo mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại với đàn trâu bò từ 20-50 con. Hiện, tổng đàn gia súc của xã đạt gần 6.300 con.

Trên tuyến đường bê tông sạch đẹp, chúng tôi tới bản Chà Lạy A, xã Co Mạ. Trưởng bản Và A Nếnh, nói: Bản có 49 hộ, 236 nhân khẩu, 100% là dân tộc Mông. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã làm cho chúng tôi con đường bê tông 1,4 km vào bản, trị giá gần 3,6 tỷ đồng. Xuân này, nhân dân vui lắm, xe tải vào tận nơi thu mua nông sản cho bà con, đời sống cũng vì thế mà khấm khá lên rất nhiều. Hơn nữa, Nhà nước còn tạo điều kiện cho 9 hộ khó khăn trong bản vay gần 400 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế, bản chỉ còn 18 hộ nghèo.

Chia tay Co Mạ, tới xã Long Hẹ. Theo lời giới thiệu của Phó Chủ tịch UBND xã Vàng A Dủa, chúng tôi thăm bản Ta Khom, là bản xa xôi và khó khăn nhất xã để cảm nhận sự đổi thay. Cung đường đến với Ta Khom rực rỡ sắc hoa đào nở rộ. Trưởng bản Ta Khom, anh Vàng A Nếnh, thông tin: Bản có 36 hộ, 155 nhân khẩu, trước đây 100% là hộ nghèo. Nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, một số hộ dân trong bản đã mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Hiện, 3 hộ đã thoát được nghèo, một số hộ khác đang học và làm theo. Cái nghèo, hủ tục, lạc hậu đang từng bước được đẩy lùi.

Rong ruổi một vòng thăm các xã Pá Lông, É Tòng, Mường Bám, Co Tòng, chúng tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt nơi đây; người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, mà tự vươn lên, tìm hướng thoát nghèo. Hiện, người dân 6 xã vùng cao này đã trồng 1.898 ha cây sơn tra và cây ăn quả; 41 ha các loại cây dược liệu, gồm: Sa nhân, thảo quả, gừng, nghệ, y dĩ... Chăn nuôi được duy trì, với tổng đàn trâu, bò gần 12.000 con, số lượng gia súc tăng nhanh, do các xã triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình 135, giảm nghèo giai đoạn II, các mô hình khuyến nông... Trên địa bàn 6 xã, người dân chăm sóc, bảo vệ 20.674 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,2%.

Vùng cao Thuận Châu trong tiết trời xuân, gặp từng đoàn xe máy của bà con đi mua sắm tết, trẻ em xúng xính trong những bộ quần áo mới, hiện hữu sự no ấm, đủ đầy, đời sống vùng cao đang từng ngày khởi sắc.

Trung Hiếu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/khoi-sac-vung-cao-thuan-chau-47566