Khối Tây Phi kích hoạt lực lượng dự phòng, sẵn sàng can thiệp quân sự vào Niger
Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã đặt lực lượng dự phòng vào trong trạng thái sẵn sàng can thiệp để khôi phục trật tự hiến pháp tại Cộng hòa Niger.
Theo khối Tây Phi, họ muốn khôi phục nền dân chủ ở Niger theo cách hòa bình, nhưng tất cả lựa chọn bao gồm dùng vũ lực đều đang được cân nhắc.
Một nhóm sĩ quan ở Niger đã tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum vào ngày 26/7. ECOWAS đã đặt ra hạn chót là ngày 6/8 để lực lượng đảo chính Niger phục chức cho ông Bazoum. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được đáp ứng. Thay vào đó, chính quyền quân sự Niger đã đóng cửa không phận, và tuyên bố sẽ đáp trả trước bất kỳ cuộc tấn công nào từ bên ngoài.
Cuộc đảo chính vào ngày 26/7 ở Niger làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đẩy khu vực Tây Phi vào vòng xoáy bất ổn.
Tại hội nghị thượng đỉnh của các nguyên thủ quốc gia Tây Phi ở thủ đô Abuja của Nigeria vào ngày 10/8, khối đã cam kết thực thi các biện pháp trừng phạt, cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với những người ngăn cản sự trở lại nắm quyền của Tổng thống Niger được bầu dân chủ Mohamed Bazoum.
"Không có lựa chọn nào không được tính tới, kể cả việc sử dụng vũ lực như là phương án cuối cùng", hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, người đang giữ chức Chủ tịch ECOWAS nhấn mạnh.
"Tôi hy vọng thông qua nỗ lực tập thể, chúng ta có thể mang lại một giải pháp hòa bình như lộ trình khôi phục sự ổn định và dân chủ ở Niger”, ông Tinubu nói.
Tuyên bố chính thức trong cuộc họp bao gồm nghị quyết yêu cầu các chỉ huy quốc phòng của khối "kích hoạt Lực lượng dự phòng ECOWAS ngay lập tức".
Một nghị quyết khác nói về việc ra lệnh "triển khai Lực lượng dự phòng ECOWAS để khôi phục trật tự hiến pháp ở Cộng hòa Niger", ngay sau đó là một nghị quyết nói về việc khôi phục trật tự như vậy "thông qua các biện pháp hòa bình".
Theo các nhà phân tích an ninh, quá trình tập hợp lực lượng dự phòng của khối có thể mất vài tuần hoặc lâu hơn, từ đó mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán.
Ông Ikemesit Effiong, nhà nghiên cứu tại SBM Intelligence ở Nigeria, cho biết khối Tây Phi đã lên kế hoạch thành lập một lực lượng dự phòng gồm hàng nghìn binh sĩ trong nhiều năm qua, nhưng bị cản trở do sự chậm trễ về kinh phí và không đủ quân số.
Sau một loạt các cuộc đảo chính kể từ năm 2020 và hoạt động gia tăng của tay súng phiến quân, vào tháng 12/2022, các nhà lãnh đạo khu vực Tây Phi đã quyết tâm thành lập một lực lượng dự phòng.