Khơi thông chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Những năm gần đây, Chính phủ ngày càng chú trọng đến phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) bằng việc tạo môi trường thuận lợi thu hút nông dân, doanh nghiệp (DN) đầu tư với hàng loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn, thuế…
Nông dân, DN cũng ngày càng quan tâm đầu tư nhân rộng mô hình NNCNC để làm ra sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng những phân khúc thị trường cao cấp. Tuy nhiên, mô hình này vẫn khó nhân rộng vì những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vẫn đang… nằm trên giấy.
* Nhiều chính sách khuyến khích NNCNC
Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhất hiện nay. Trong đó, NNCNC được cho là bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản nhờ ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất. Đây là định hướng phát triển nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Theo đó, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho NNCNC phát triển.
Theo một số doanh nghiệp đầu tư NNCNC trên địa bàn Đồng Nai, ứng dụng công nghệ cao cần có quỹ đất lớn, có vị trí thuận lợi cho lưu thông để đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất đồng bộ. Hiện quỹ đất đang là rào cản lớn với nhà đầu tư vì thực tế, quỹ đất công để cho thuê sản xuất nông nghiệp hầu như không có, doanh nghiệp, người sản xuất phải thuê đất tư nhân với giá cao thì các hỗ trợ bằng miễn giảm tiền cho thuê đất của Nhà nước có cũng như không. Ngoài ra, DN, nông dân cần hỗ trợ về những thông tin đánh giá, dự báo, cảnh báo về nhu cầu thị trường với sản phẩm NNCNC để có định hướng đầu tư phù hợp.
Một trong những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho mảng đầu tư này là về tiếp cận nguồn vốn. Yêu cầu của đầu tư NNCNC là cần nguồn vốn lớn, lộ trình dài hơi.
Theo đó, tại Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7-3-2017, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại nhà nước, dành ít nhất 100 ngàn tỷ đồng để thực hiện chương trình cho vay khuyến khích phát triển NNCNC, nông nghiệp sạch với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường.
Gần đây nhất, Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều thay đổi về cơ chế hỗ trợ, từ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền sang hình thức miễn tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ đào tạo...
Cụ thể, DN có dự án nông nghiệp được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án; miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đó sau khi được chuyển đổi. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước trong 15 năm đầu đối với DN có dự án ưu đãi đầu tư. DN có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư được hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực quốc gia và cấp tỉnh; 50% kinh phí tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, ngoài nước và nhiều hỗ trợ khác.
Riêng NNCNC cũng có nhiều chính sách ưu đãi được đưa ra như tài trợ toàn bộ chi phí cho các dự án nghiên cứu công nghệ cao, DN hoạt động trong khu NNCNC được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu…
Theo đó, không chỉ DN lớn mà nhiều nông dân cũng mạnh dạn đầu tư làm NNCNC. Ông Đỗ Nhật Tâm, nông dân tiên phong đầu tư làm nông công nghệ cao tại xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) chia sẻ: “Qua tìm hiểu, tôi thấy đầu tư 1-2 ngàn m2 nhà màng trồng dưa lưới được đầu tư bài bản cho thu nhập cao hơn hẳn cả hécta đất sản xuất theo cách truyền thống. Chính vì vậy, tôi không ngại bỏ tiền tỷ đầu tư”.
Ông Tâm mạnh dạn đầu tư những công nghệ, kỹ thuật mới đồng thời luôn tìm tòi trồng những giống dưa lưới mới được thị trường ưa chuộng, từ sản xuất an toàn chuyển hướng dần sang sản xuất theo hướng hữu cơ…Hiện ông Tâm đã mở rộng diện tích sản xuất lên gấp nhiều lần so với thời mới đầu tư vì có nhiều DN ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trong đó có DN xuất khẩu trái cây đi Nhật Bản và các thị trường khó tính đã cho ông Tâm ứng trước vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo hình thức trừ dần vào sản phẩm bao tiêu.
* Chưa đi vào thực tế
Tuy không thiếu những chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào NNCNC nhưng DN, nông dân vẫn khó tiếp cận.
Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) là doanh nghiệp từng đón Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đến thăm mô hình sản xuất và được đánh giá là hình mẫu của DN sản xuất nông nghiệp thời cách mạng 4.0. Đặc biệt là đã tạo được lợi thế cạnh tranh khi xây dựng thành công chuỗi khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt, tiêu thụ. DN này không chỉ đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi với công nghệ hiện đại, quy mô sản xuất lớn mà còn lập trang trại rộng 13 hécta với hệ thống nhà màng trồng rau, quả sạch với công nghệ hàng đầu nhưng cũng không dễ tiếp cận những gói hỗ trợ cho của Nhà nước dành cho NNCNC.
Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt cho biết, đầu tư làm NNCNC cần sự dài hạn với nguồn vốn lớn nên DN luôn có nhu cầu vay vốn. Theo ông Tính, chưa nói đến vay vốn hỗ trợ lãi suất, việc tiếp cận với nguồn vốn vay thông thường cũng còn nhiều bất hợp lý. Ông Tính chỉ ra, nhà máy, trang trại là tài sản có giá trị lớn nhưng khi thế chấp vay ngân hàng thường chỉ được tính bằng giá trị đất, các tài sản trên đất nông nghiệp như: nhà kính, nhà lưới hay máy móc sản xuất phân bón… không được tính hoặc tính với mức thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế nên việc tiếp cận nguồn vốn vay đúng với nhu cầu của DN là không dễ.
“Các loại thủ tục, hồ sơ trong đầu tư, mở rộng sản xuất còn quá phức tạp, kéo dài. Tôi lấy ví dụ, tôi chỉ điều chỉnh vài chi tiết về kết cấu của xưởng sản xuất phân bón dù mời đơn vị tư vấn làm hồ sơ, được chính quyền địa phương hỗ trợ rất nhiều nhưng vẫn cần thời gian dài mới xong vì quy trình yêu cầu như thế” - ông Tính nói.
Nông dân làm NNCNC với quy mô nhỏ lẻ càng khó khăn trong tiếp cận những chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Ông Phùng Đức Phương, nông dân đầu tư nhà màng trồng dưa lưới tại xã An Viễn (huyện Trảng Bom) cho hay, tuy rất quan tâm tiếp cận những chính sách hỗ trợ cho NNCNC nhưng từ khi đầu tư vào năm 2016 đến nay, cơ sở của ông hầu như chưa được hỗ trợ gì.
Ông Phương dẫn chứng: “Tôi có tìm hiểu về chương trình cho vay ưu đãi với NNCNC nhưng hồ sơ, thủ tục quá phức tạp, mức lãi suất ưu đãi lại không chênh lệch nhiều với mức vay thông thường nên đành bỏ cuộc. Việc hỗ trợ làm các chứng nhận VietGAP và sản xuất sạch với hộ sản xuất nhỏ lẻ cũng không dễ dàng”.
Theo ông Phương, điều khó khăn không nhỏ với nông dân bỏ vốn lớn làm NNCNC còn ở khâu phải tự xoay xở tìm cách bán hàng. Họ hầu như không có thông tin về nhu cầu thị trường và khi càng có nhiều nông dân đầu tư làm NNCNC, áp lực cạnh tranh tìm đầu ra cho nông sản công nghệ cao càng lớn.