Khơi thông cơ chế phát triển nông nghiệp xanh

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng nên định hình phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp sinh thái, gắn với du lịch, để phát triển nhanh và bền vững.

Hướng đầu tư vào nông nghiệp

Theo dự thảo tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành phố về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ gia đình huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, từng bước xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa, bền vững, thân thiện môi trường.

Mô hình làm nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm tại Xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Công

Mô hình làm nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm tại Xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Công

Ngoài ra, chính sách sẽ góp phần hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Cụ thể như: Thu nhập bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị ngành nông nghiệp bình quân từ 2,5-3%/năm; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 70%; tỷ lệ giá trị sản phẩm sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 30%; tỷ lệ giá trị sản xuất trồng trọt tăng 0,4-0,7%/năm trở lên; tỷ lệ giá trị sản phẩm trồng trọt được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 30-40%...

Về quan điểm, nguyên tắc xây dựng, chính sách sẽ tập trung vào một số khâu, lĩnh vực nhằm thúc đẩy các tổ chức, cá nhân huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, hướng tới sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển nông nghiệp của Thủ đô có trọng tâm, trọng điểm, bền vững, đảm bảo vệ sinh môi trường; gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp hướng tới nền nông nghiệp đa giá trị.

Đồng thời, tập trung hỗ trợ cho phát triển các đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản có lợi thế, có năng suất, giá trị gia tăng cao như: Sản xuất rau, hoa, quả, chè, chăn nuôi bò sữa, bò thịt, lợn, nuôi trồng thủy sản; hiện đại hóa nông nghiệp; bảo vệ môi trường; phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, trải nghiệm…

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố khoảng 1.101,5 tỷ đồng/năm. Trong đó: Ngân sách Thành phố là: 294,3 tỷ đồng/năm (Thành phố thực hiện: 130,9 tỷ đồng/năm; cấp bổ sung cho ngân sách cấp huyện: 163,5 tỷ đồng/năm); ngân sách cấp huyện: 47,28 tỷ đồng/năm; nguồn kinh phí đối ứng từ các tổ chức, cá nhân: 759,886 tỷ đồng/năm.

Góp ý tại Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định một số chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội diễn ra mới đây, các ý kiến đều khẳng định vai trò, vị trí và tiềm năng của nông nghiệp Thủ đô cũng như quyết tâm của lãnh đạo Thành phố khi ban hành và thực thi Nghị quyết liên quan các chính sách cho lĩnh vực này. Trong đó, có ý kiến đều đánh giá cao dự thảo Nghị quyết được soạn thảo công phu, chi tiết, có tính kế thừa; thống nhất cao với 11 chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp, trong đó có những chính sách đã có và khẳng định nét đặc thù hơn, tập trung hơn của Thành phố.

Theo ông Phạm Ngọc Thảo - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội: Những năm qua, Hà Nội đã ban hành nhiều Nghị quyết và cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều thành tựu tích cực. Tuy nhiên, một số chính sách vẫn chưa thực sự mang lại kết quả như mong muốn, chưa khuyến khích được doanh nghiệp và người lao động. Sản xuất nông nghiệp Hà Nội chưa tạo ra được bước chuyển biến đột phá rõ rệt, một số lĩnh vực còn trì trệ…

“Những vấn đề trên đòi hỏi chính quyền Thành phố cần sớm nắm bắt, đón đầu để kịp thời nghiên cứu, bổ sung, ban hành Nghị quyết mới để đáp ứng những yêu cầu của thực tế sản xuất nông nghiệp Hà Nội cũng như khắc phục những hạn chế vừa qua để hỗ trợ khuyến khích sản xuất nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phát triển xứng đáng với tiềm năng vốn có. Do đó, dự thảo tờ trình cần bổ sung làm rõ thêm thực trạng sản xuất nông nghiệp Hà Nội hiện nay trên những nét chính liên quan đến 11 nhóm chính sách”, ông Phạm Ngọc Thảo góp ý.

Khẳng định việc có chính sách đặc thù với nông nghiệp Thủ đô là cần thiết, góp ý vào Dự thảo, các đại biểu đều cho rằng, các chính sách trong Nghị quyết nên được sắp xếp thành 2 nhóm chính sách: Một là những chính sách đã có ở cấp Trung ương; hai là những chính sách chưa có ở đâu, nhưng riêng với đặc thù Hà Nội đang rất cần thiết, đảm bảo phù hợp Luật Thủ đô. Hơn nữa, vốn cho nông nghiệp rất hạn chế, nên chính sách cần tập trung vào mục tiêu đưa Hà Nội trở thành trung tâm hiện đại, đồng bộ về sản xuất giống cây trồng, thủy sản công nghệ cao. Đặc biệt, cần có mục tiêu rõ ràng đến năm 2030 tiến tới đến 2050, Hà Nội có nền nông nghiệp sinh thái, từ đó sẽ xây dựng các chính sách cụ thể đi theo.

Phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, gắn với du lịch

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Cường - Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phát hành cuốn sổ tay hướng dẫn thu gom, xử lý và tái sử dụng rơm rạ, làm phân bón hữu cơ, góp phần giảm thiểu khí nhà kính và phát triển nông nghiệp bền vững. Hà Nội có tiềm năng lớn về phân bón hữu cơ từ rơm, rạ hàng nghìn tấn mỗi năm, Thành phố nên đi trước một bước để phát triển kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh.

Tiến sĩ Nguyễn Hùng Cường cho biết thêm, Hà Nội là đất trăm nghề, vì thế cần làm rõ hướng phát triển du lịch trải nghiệm làng nghề, nông nghiệp có hiệu quả đến đâu và thực hiện như thế nào. Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có kế hoạch phát triển du lịch làng nghề, tuy nhiên, cần có một chương về đào tạo, phát triển, bảo tồn những làng nghề thủ công truyền thống, để phát triển mạnh du lịch nông nghiệp trải nghiệm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Đồng thuận với quan điểm trên, Tiến sĩ Bùi Thị Xô - nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng, cần định hình sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Hà Nội, từ đó nên tập trung vào vùng sản xuất hàng hóa, chính sách nhập công nghệ mới, chính sách đào tạo, tập huấn… “Nên định hình phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp sinh thái, gắn với du lịch, để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững”, Tiến sĩ Bùi Thị Xô đề xuất.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khoi-thong-co-che-phat-trien-nong-nghiep-xanh-156822.html