Khơi thông dòng chảy vốn ưu đãi với người dân nghèo

Những năm qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã và đang được khơi thông dòng chảy tới các hộ nghèo, vùng khó khăn trên địa bàn.

Từ nguồn vốn ưu đãi này, nhiều hộ đã thoát nghèo một cách bền vững và từng bước ổn định cuộc sống.
*“Bệ đỡ” thoát nghèo
Trên con đường nhựa phẳng lì vừa được huyện đầu tư, chúng tôi tìm về hộ gia đình bà Hoàng Thị Lũng, xóm Chòi, xã Cự Thắng, huyện miền núi Thanh Sơn. Trong căn nhà khang trang, sạch đẹp, nhâm nhi chén nước chè đặc quánh còn nóng hổi bà Lũng chia sẻ, năm 1997, được Nhà nước giao cho 22ha đất đồi rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc theo chủ trường phát triển rừng của tỉnh, thế nhưng do khó khăn về vốn nên việc đầu tư trong rừng gặp nhiều khó khăn.

Một buổi giao dịch cho vay tại điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh minh họa: Trần Việt - TTXVN

Một buổi giao dịch cho vay tại điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh minh họa: Trần Việt - TTXVN

Năm 2010 được sự quan tâm của các cấp chính quyền trong xã, gia đình đã mạnh dạn vay 70 triệu đồng vốn sản xuất kinh doanh của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Sơn. Với số tiền này, chị Lũng đầu tư cải tạo đất, mua giống cây, phân bón… rồi phủ xanh hơn 10ha đất rừng hoang hóa bằng hệ thống giàn cây keo xanh ngát.
“Trong lúc khó khăn nhất, đồng vốn của ngân hàng chính sách xã hội đã giúp gia đình chúng tôi vượt qua. Ở vùng đất này, ngoài chăn nuôi con vịt, con gà thì cũng chỉ biết trồng rừng vì diện tích đất rừng lớn. Cũng nhờ trồng rừng mà gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định, thu nhập bình quân từ 1 ha keo sau khi trừ chi phí cũng được 60 triệu đồng…” bà Lũng cho biết!
Từ chỗ chỉ trồng hơn 10ha, đến nay, gia đình bà Lũng đã mở rộng diện tích trồng lên đến gần 22ha, chủ yếu là giống keo. Vừa qua gia đình anh đã khai thác để bán gần 5ha keo, trừ các khoản chi phí còn cho nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng.
Còn chị Dương Thị Lợi, khu 2, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy chia sẻ, trước khi được vay nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội là thời kỳ khó khăn nhất của gia đình. Hai vợ chồng ra riêng với 2 bàn tay trắng cùng 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học và 1 mẹ già đơn thân.

Không việc làm ổn định, quanh quẩn chỉ làm mấy sào ruộng, cuộc sống của 5 nhân khẩu trong 1 gia đình cứ thế thiếu nước hụt sau. Năm 2017, chị xin vay vốn hộ nghèo của ngân hàng chính sách và được xét cho vay 30 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi.
Với số tiền có được, vợ chồng chị mua 2 con bò sinh sản để làm vốn sinh sống. Hằng ngày, vợ chồng chị tranh thủ dậy sớm đi cắt cỏ cho bò ăn, thời gian còn lại thì đi làm đồng để duy trì thu nhập. Sau một thời gian chăm sóc, bò mẹ đẻ bò con, sau đó chị bán bò con (bê) thu về 40 triệu đồng.

Nhờ thu nhập từ việc bán bê con, kết hợp với nghề phụ làm mộc gia dụng của chồng nên đến nay, gia đình chị đã thoát được nghèo, kinh tế phát triển hơn.
Theo chị Lợi, cũng nhờ vốn vay từ ngân hàng chính sách mà gia đình mới có điều kiện trang trải cuộc sống khó khăn lúc trước và đầu tư sản xuất, kinh doanh. Ý thức được điều đó nên trong mỗi đợt vay vốn, chị đều trả lãi đúng hạn và gửi tiết kiệm đều đặn.
Ông Bùi Quang Thuận, Chủ tịch Hội nông dân xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy khẳng định, trong những năm qua nguồn vốn của ngân hàng chính sách luôn quan tâm tạo điều kiện cho vay tới người dân nghèo. Đây được xem là “điểm tựa” vững chắc giúp người nghèo có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
*Phát huy hiệu quả vốn vay
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian qua, ngân hàng đã tập trung triển khai các chương trình tín dụng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số khó khăn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, đặc biệt là hộ nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giúp họ có cơ hội “đổi đời”, vươn lên thoát nghèo.
Thực tế cho thấy, có nhiều hộ gia đình được tiếp cận và vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng chính sách, nhờ vậy người dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng và chăm sóc rừng, trồng cây ăn quả… góp phần đưa kinh tế hộ gia đình phát triển khá tốt.
Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần củng cố, nâng cao lòng tin của nhân dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác đối với Đảng và Nhà nước. Đặc biệt qua đó, sẽ thu hẹp dần khoảng cách về mức sống trong nhân dân giữa các vùng, miền trong tỉnh.
Theo số liệu của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Phú Thọ, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay ưu đãi từ 16 chương trình tín dụng chính sách được ngân hàng triển khai mạnh, dư nợ tập trung chủ yếu ở các chương trình như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh - sinh viên và hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở…
Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã thực hiện cho vay gần 171 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tổng số vốn đạt 5.167 tỷ đồng. Thông qua các nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần làm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh từ 12,04% năm 2015 xuống còn 5,57% đến hết năm 2019, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,62%.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ Trần Việt Phương cho biết, để đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng, đơn vị đã phối hợp các ngành, địa phương và các đoàn thể nhận ủy thác thực hiện kỹ việc bình xét rồi mới giải quyết các thủ tục cho vay. Việc giám sát, theo dõi quá trình người dân sử dụng vốn vay ưu đãi cũng được thực hiện khá tốt.
Để quản lý tốt nguồn vốn cho vay, ngay từ đầu năm, đơn vị xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát vốn, rà soát, nắm danh sách các hộ nợ đến hạn để chủ động đôn đốc, thu hồi vốn.
Đối với giám sát nợ đến hạn hàng tháng, đơn vị gửi danh sách cho tổ chức hội nhận ủy thác cấp xã để chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn phân tích kỹ từng trường hợp, báo cáo ngân hàng để có biện pháp phù hợp như cho gia hạn nợ, đôn đốc thu nợ.
Với những trường hợp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, đơn vị phối hợp lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt khoanh nợ... Nhờ quản lý tốt, nguồn vốn đang được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Đến thời điểm hiện tại tổng nợ xấu toàn tỉnh hơn 5,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,125% tổng dư nợ.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ông Trần Việt Phương cho hay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhiệm vụ được giao, tiếp tục duy trì và đổi mới chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời, cho vay đúng đối tượng, thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn và trả nợ, trả lãi tiền vay...
Đặc biệt, tỉnh phấn đấu bình quân mỗi năm tăng trưởng khoảng 8% tổng dư nợ, đảm bảo đáp ứng 100% hộ nghèo, các đối tượng chính sách đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn sẽ được tiếp cận nguồn vốn một cách đầy đủ./.

Tạ Văn Toàn/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khoi-thong-dong-chay-von-uu-dai-voi-nguoi-dan-ngheo/181373.html