Khơi thông dòng 'vàng trắng'

Ban Kinh tế Trung ương vừa phối hợp Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tổ chức hội nghị phát triển cao su hiệu quả, bền vững đến năm 2030. Tại hội nghị, các đại biểu đã có góc nhìn toàn diện về khó khăn, thách thức của cây cao su trong bối cảnh mới để đưa ra những định hướng nhằm khơi thông dòng 'vàng trắng' một cách hiệu quả và bền vững.

>> Cao su Phú Riềng thu 39,708 tỷ đồng từ đấu giá cây cao su thanh lý
>> Cao su Đồng Phú phát triển ổn định và bền vững
>> Học Bác, nói đi đôi với làm
>> Cao su Phú Riềng đấu giá 259,13 ha cây cao su thanh lý
>> Đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ để giữ nghề

Sau hơn 1 thế kỷ có mặt tại Việt Nam, cây cao su đã khẳng định được vai trò và vị trí trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của nước ta. Cây cao su không chỉ giải quyết hàng triệu việc làm mà còn làm giàu cho hàng trăm ngàn hộ dân. Đặc biệt, tại các vùng chuyên canh cây cao su như Đông Nam bộ, Tây Nguyên, miền Trung... đã hình thành những khu dân cư trù phú, những nông trường, nhà máy khai thác, chế biến và kinh doanh sản phẩm cao su rất nhộn nhịp. Riêng các sản phẩm của cây cao su như mủ, gỗ... đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chiến lược của đất nước. Theo thống kê, vào năm 1975, cả nước chỉ có khoảng 75.200 ha cao su, trong đó Tổng công ty cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) quản lý gần 55.790 ha, còn lại 19.410 ha do chính quyền các địa phương và tư nhân quản lý. Đến nay, cả nước có hơn 965.000 ha cao su, trong đó có khoảng 690.000 ha đang cho thu hoạch với sản lượng hằng năm đạt trên 1.141 ngàn tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu cao su đạt 2 tỷ USD. Riêng Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đang quản lý gần 300.000 ha, với sản lượng khai thác năm 2019 dự kiến đạt trên 320.000 tấn, chiếm hơn 30% sản lượng cao su sản xuất cả nước.

Bình Phước là một trong những khu vực hình thành nên những vùng chuyên canh cây cao su sớm nhất nước ta và hiện tại, hầu hết trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh cũng đều có vườn cây cao su. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 240.000 ha cao su, xếp vị trí số 1 về diện tích vườn cây trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh có 4 công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và 2 đơn vị do tỉnh quản lý. Những năm qua, cây cao su ở Bình Phước đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa ở các vùng nông thôn, vùng sâu, xa và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Tuy nhiên, cũng như cả nước, cây cao su ở Bình Phước đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như giá xuống thấp, thiên tai, sâu bệnh phá hoại. Đặc biệt, sự phát triển “nóng” về diện tích; thị trường xuất khẩu thiếu ổn định, hàng hóa chủ yếu là những sản phẩm thô; dây chuyền chế biến còn lạc hậu; diện tích vườn cây già cỗi, kém năng suất đang tăng nhanh... đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của toàn ngành nói chung.

Vì vậy, để ngành cao su phát triển bền vững trong điều kiện mới, ngoài những chính sách, cơ chế của Nhà nước, các doanh nghiệp cao su cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, giảm giá thành để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Phải tăng cường đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào hoạt động chế biến nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển.

Tấn Phong

>> Cao su Phú Riềng tuyên dương 127 học sinh, sinh viên xuất sắc
>> Làm theo Bác ở Cao su Đồng Phú
>> “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc
>> 6 tháng, doanh thu Cao su Phú Riềng đạt 31,2% kế hoạch

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/khoi-thong-dong-vang-trang-1059