Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán
'Tắc' huy động vốn là tình trạng phổ biến kể từ quý II/2022 đến nay. Khơi thông những ách tắc trong huy động vốn là yêu cầu cấp thiết để các doanh nghiệp chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, không bỏ lỡ các cơ hội.
Hồ sơ tăng vốn, IPO giảm mạnh
Thị trường chứng khoán 3 năm trước chứng kiến sự phát triển vượt bậc về số lượng nhà đầu tư tham gia, đỉnh mới của chỉ số, đỉnh mới về thanh khoản, góp phần giúp nhiều doanh nghiệp thuận lợi trong việc huy động vốn trung và dài hạn, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, “tắc” huy động vốn là tình trạng phổ biến kể từ quý II/2022 đến nay, khi thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn suy giảm cả về chỉ số và thanh khoản bởi nhiều lý do.
Theo thống kê, tính đến cuối quý I/2023, nhu cầu huy động vốn qua thị trường chứng khoán từ các kế hoạch phát hành cổ phiếu của doanh nghiệp (không bao gồm Novaland và VPBank) năm 2023 chỉ đạt 61.000 tỷ đồng, giảm khoảng 40% so với con số thực hiện năm 2022.
Tại tọa đàm Khơi thông nguồn vốn trên thị trường chứng khoán do Báo Đầu tư tổ chức tuần qua, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, số lượng hồ sơ và đăng ký phát hành cổ phiếu năm 2023 giảm 45% cả về số lượng và giá trị, riêng phát hành ra công chúng (IPO) giảm 60% so với năm 2022. Hiện Ủy ban đang tiếp nhận và xử lý 5 hồ sơ IPO.
Theo đánh giá của bà Bình, yếu tố khách quan là sự khó khăn của nền kinh tế, thị trường chứng khoán, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn dè dặt…, đều chưa hỗ trợ cho các đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là yếu tố nội tại doanh nghiệp suy giảm, sau khi chịu áp lực từ các thách thức vĩ mô trong và ngoài nước, hệ quả từ dịch Covid-19.
“Do vừa mới qua mùa đại hội cổ đông nên hồ sơ phát hành mới còn ít, nhưng nhìn nhận về nhu cầu vốn trong ngắn hạn và khả năng hấp thụ vốn, tôi cho rằng sẽ không có nhiều cơ hội ở thời điểm hiện nay, các khó khăn phía trước vẫn còn”, bà Bình nói.
Hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp phụ thuộc vào 2 yếu tố chính là môi trường vĩ mô và bản thân doanh nghiệp có khả năng hấp thụ vốn hay không.
Nhìn từ thực tế doanh nghiệp, như ở Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Kinh Bắc, mã chứng khoán KBC), đơn vị đang triển khai không ít dự án, nhưng trong kế hoạch năm 2023 không đề cập đến việc tăng vốn, ngược lại còn có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, giảm vốn điều lệ.
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Kinh Bắc chia sẻ, bức tranh chung về kinh tế giới chưa biết khi nào sẽ khởi sắc, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn. Với Kinh Bắc, doanh nghiệp có sự chuẩn bị quỹ đất sẵn sàng cho 10 năm và có lợi thế cạnh tranh về giá cho thuê, nên thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao. Nhờ có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi đất, Kinh Bắc có thể bàn giao sớm cho khách hàng, họ thuê 50 - 100 ha nên ngay từ đầu năm 2023 đã ghi nhận dòng tiền lớn. Quý I và II năm nay, Kinh Bắc cơ bản hoàn thành kế hoạch lợi nhuận quý.
“Kinh Bắc tự tin trả được 3.900 tỷ đồng trái phiếu. Nếu thị trường thuận lợi, doanh nghiệp sẽ phát hành lại. Trên thị trường, cần tính toán được đoạn đường dài mới có thể đảm bảo hoạt động ổn định, tốt hơn. Ở thời điểm hiện nay, tôi thấy nhiều tín hiệu tích cực hơn là tiêu cực”, ông Tâm nói.
Khơi thông những ách tắc
Trước thực trạng hồ sơ IPO, phát hành cổ phiếu sụt giảm, bà Bình cho rằng, các bên gồm doanh nghiệp, đơn vị tư vấn và cả cơ quan quản lý đều phải chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, phải khơi thông những ách tắc để doanh nghiệp có thể huy động vốn nhanh chóng, không bỏ lỡ các cơ hội.
Theo đó, trong công tác thực hiện hồ sơ, doanh nghiệp cần chú ý 3 điểm chính.
Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán đều rất quan trọng và mới được ban hành thay thế trong năm 2021, có nhiều nội dung quy định mới liên quan đến doanh nghiệp, chào bán và quản trị công ty. Thời gian qua, các hồ sơ chào bán của doanh nghiệp do chưa nắm hết các quy định mới nên có những sai sót, dẫn đến thời gian xử lý kéo dài. Chẳng hạn, các nội dung liên quan đến nghị quyết đại hội cổ đông, nghị quyết hội đồng quản trị chưa đáp ứng yêu cầu, hay vấn đề liên quan quy trình thủ tục trong nội bộ doanh nghiệp chưa thể hiện sự nắm bắt quy định pháp luật chặt chẽ.
Thứ hai, phương án sử dụng vốn cần chi tiết, đáp ứng yêu cầu minh bạch, nhưng có nhiều doanh nghiệp khi nộp hồ sơ đăng ký chào bán, huy động vốn chưa có phương án dài hạn về kinh doanh, phương án sử dụng vốn, mà chỉ đơn thuần là đăng ký chào bán nhằm tận dụng sức nóng thị trường tại từng thời điểm.
“Có nhiều hồ sơ chào bán để huy động nguồn vốn rất lớn, nhưng mục đích sử dụng vốn lại để mua cổ phiếu, hoặc góp vốn cổ phần vào tổ chức khác, thậm chí đó là doanh nghiệp chưa đại chúng, nên tính minh bạch của những hồ sơ này cần thẩm định thêm và cơ quan quản lý yêu cầu cung cấp thêm hồ sơ, thông tin”, bà Bình cho biết.
Thứ ba, do yếu tố khách quan là doanh nghiệp chưa đại chúng nên có nhiều vấn đề liên quan đến tuân thủ quy định quản trị công ty chưa được làm rõ, hay các vấn đề góp vốn (góp vốn sau thời hạn quy định của Luật Doanh nghiệp, góp vốn bằng tài sản khác…) cũng đều phải xác minh rõ. Nếu báo cáo tài chính kiểm toán không chú trọng những điểm này ngay từ thời điểm làm hồ sơ thì sẽ mất thời gian.
Ngoài ra, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, chất lượng tư vấn của công ty chứng khoán nhìn chung chưa cao, thậm chí bản thân đơn vị tư vấn chưa cập nhật đầy đủ các quy định pháp luật, cũng khiến hồ sơ chưa đạt chuẩn.
Hiện Ủy ban đang tích cực sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP, trong đó chỉnh sửa, bổ sung các vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động chào bán chứng khoán theo hướng giảm thủ tục hành chính và làm rõ các nội dung trong hồ sơ để doanh nghiệp có thể tiếp cận và thực hiện hồ sơ nhanh gọn, thuận lợi nhất.
Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận xét, tất cả những quy định mới trong Luật Chứng khoán, nghị định, thông tư đều hướng tới phát triển thị trường bền vững, minh bạch, hiệu quả, giữ chân nhà đầu tư cũ và thu hút nhà đầu tư mới.
“Không nên nhìn các quy định mới ở góc độ khó hay dễ, khó vẫn phải làm. Việc tiếp cận sự thay đổi đó phải tự nguyện”, ông Tiến nói.
Ở góc độ đơn vị tư vấn phát hành, SHS luôn trao đổi với đối tác về vấn đề này, hỗ trợ doanh nghiệp từ phương án cân đối nguồn vốn, cơ cấu nguồn vốn đến huy động nguồn vốn.
Lời khuyên ông Tiến gửi tới các doanh nghiệp muốn huy động vốn trên thị trường chứng khoán hay IPO, vấn đề cấu trúc nguồn vốn, cân đối nguồn vốn phải làm chuẩn hóa theo mô hình công ty đại chúng hoàn chỉnh, có sự giám sát của sở giao dịch, trung tâm lưu ký, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn.
Doanh nghiệp cần cân đối nguồn vốn, hệ số nợ, xác định phương án sử dụng vốn minh bạch và phải có cam kết với nhà đầu tư. Khi đã cân đối được nguồn vốn rồi thì mọi vấn đề huy động vốn sẽ dễ hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên có sự giúp sức của công ty tư vấn uy tín, vì vai trò của đơn vị tư vấn quan trọng.