Khơi thông đường thủy, thuận tiện cho lưu thông nông sản vùng ĐBSCL
Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên đường thủy, nhằm tránh sự đứt gãy chuỗi vận tải, logistics phục vụ sản xuất và cung ứng hàng hóa cho người dân.
Với hệ thống sông ngòi dày đặc, đây được coi là giải pháp triển vọng để khơi thông ách tắc hàng hóa cho người dân và doanh nghiệp.
Vùng ĐBSCL không chỉ lúa gạo mà nhiều mặt hàng nông sản đang gặp khó khăn trong việc lưu thông khi các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt để khoanh vùng, dập dịch; đưa cuộc sống trở lại bình thường. Trong đó, chuỗi cung ứng bị đứt gãy do việc lưu khó khăn từ đồng ruộng đến nhà máy, thương lái khó khăn trong việc tiếp cận các vùng nguyên liệu để thu mua nông sản cho người dân đã dẫn tới tình trạng ùn ứ, tồn đọng hàng hóa.
Tại Tiền Giang giao thông đường thủy thông suốt, “luồng xanh” đường thủy thông thương, trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến giao thông trọng yếu như: sông Tiền, kênh Chợ Gạo, kênh Nguyễn Văn Tiếp, kênh Nguyễn Tấn Thành, sông Ba Rài; trong đó kênh Chợ Gạo đều là tuyến giao thông huyết mạch của ĐBSCL kết nối với TP.HCM.
Từ khi các địa phương trong vùng ĐBSCL và TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, mật độ phương tiện giao thông thủy trên địa bàn giảm mạnh. Số phương tiện lưu thông chiếm khoảng 10-15% so với trước đây.
Để phòng chống dịch Covid-19 đang bùng phát, Tiền Giang đã tổ chức 1 trạm kiểm soát dịch bệnh tại ngã ba sông Vàm Cỏ và kênh Chợ Gạo để kiểm tra phương tiện ra vào tuyến đường thủy này. Trên một số tuyến sông khác cũng có các đội tuần tra lưu động để kiểm soát phương tiện thủy khi lưu thông.
Theo quy định của địa phương, các phương tiện thủy có đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định của Bộ Giao thông vận tải và có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARSCOV-2 âm tính sẽ được lưu thông. Riêng việc thiết lập “luồng xanh” đường thủy, từ ngày 19/7, tỉnh Tiền Giang đã khởi hành chuyến “luồng xanh” tàu cao tốc chở hàng hóa thiết yếu từ bến phà Rạch Miễu tạm (thuộc xã Song Thuận, huyện Châu Thành, Tiền Giang) đến bến cảng Bạch Đằng (TP. Hồ Chí Minh).
Đến nay, tuyến “luồng xanh” này hoạt động an toàn, thông suốt, ổn định cứ 2 ngày có 2 chiếc tàu cao tốc chở hơn 60 tấn hàng hóa thiết yếu về TP.HCM. Riêng “luồng xanh” nội tỉnh, hiện nay Tiền Giang đang chờ phía Bộ Giao thông vận tải thiết lập hoàn chỉnh mạng lưới “luồng xanh” đường thủy quốc gia. Sau đó tỉnh triển khai “luồng xanh” nội tỉnh để kết nối. Ông Võ Thanh Tuyền, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết thêm.
"Vừa qua Bộ Giao thông Vận tải giao Cục đường thủy, phải làm trước “luồng xanh” đường thủy quốc gia để trên cơ sở đó các tỉnh có đường thủy nội tỉnh kết nối, tuy nhiên đến nay, Cục chưa làm. Hiện nay, tỉnh Tiền Giang đường thủy không bị ùn tắc, đường thủy cũng có hướng dẫn như đường bộ, nếu không có vi phạm thì lưu thông bình thường. Tỉnh nào cũng thực hiện Chỉ thị 16, nhu cầu giao thông thủy không nhiều"- ông Võ Thanh Tuyền cho biết.
Tại Đồng Tháp với nhiều các mặt hàng nông sản bước vào chính vụ, việc lưu thông thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, nhất là khâu vận chuyển từ cánh đồng đến nhà máy.
Theo ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp, việc lưu thông hàng hóa trên các tuyến đường thủy trên địa bàn tỉnh diễn ra bình thường, thông thương thuận tiện và các doanh nghiệp đều tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Địa phương cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa, nông sản trên các tuyến kênh, mương nội đồng để kết nối đến các tuyến đường thủy, tuy nhiên các doanh nghiệp khi vận chuyển cần đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch theo yêu cầu.
"Bộ Giao thông Vận tải đã quan điểm luồng xanh đường thủy là luồng nào cũng là luồng xanh. Doanh nghiệp thực hiện theo nguyên tắc 5K, khi nào người ta đến nơi người ta phải xuất trình những điều kiện về phòng, chống dịch là đạt yêu cầu"- ông Lê Hoàng Bảo cho biết.
Vừa qua, cũng bằng đường thủy, Tàu Hải quân Vùng 2 đã chở gần 30 tấn nông sản của Đồng Tháp gửi tặng người dân ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Đây là chuyến hàng cứu trợ đầu tiên được vận chuyển bằng tàu Hải quân, khi đường bộ đang gặp nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hóa.
Với việc Bộ Giao thông vận tải có văn bản yêu cầu đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là toàn bộ hệ thống đường thủy nội địa hiện nay đều được coi là hệ thống “luồng xanh” cho các phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải hàng hóa sẽ giúp khơi thông hàng nông sản đang bị đứt gãy bởi khó khăn trong khâu vận chuyển trên tuyến đường bộ.
Với phương án đẩy mạnh vận chuyển bằng đường thủy trong thời điểm này là giải pháp cấp thiết cho doanh nghiệp và người dân khi đang gặp khó trong khâu vận chuyển từ cánh đồng đến nhà máy. Nhưng để thuận tiện thì các địa phương trong vùng cần có sự chủ động, phối hợp linh hoạt đảm bảo lưu thông thuận tiện, tránh tình trạng ách tắc như đường bộ thời gian qua./.