Khơi thông nguồn lực, kiến tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng

'Thị trường nội địa là quan trọng, kích thích nền kinh tế, do đó theo ý kiến cá nhân tôi, chính sách giảm thuế VAT được kéo dài sẽ kích thích thị trường nội địa tăng trưởng' - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Ngày 17-9, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì cuộc họp báo giới thiệu chương trình Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Tăng cường năng lực nội sinh

Chủ trì cuộc họp báo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá những tháng đầu năm, các giải pháp điều hành để ổn định kinh tế vĩ mô được triển khai rất tốt. Trong khi các nước đang đối diện với lạm phát cao, chỉ số CPI của Việt Nam chỉ 3,1%.

Cạnh đó, các cân đối lớn như nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài cũng trong mức Quốc hội cho phép. Vị thế quốc tế của Việt Nam cũng được cải thiện tích cực…

Tuy nhiên, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phải nhận diện. “Bức tranh luôn có gam màu sáng và cả màu xám” - ông Thanh nói và dẫn chứng các động lực tăng trưởng như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đang có dấu hiệu chậm lại.

Theo ông, đầu tư công là giải pháp cần thúc đẩy nhưng tám tháng đầu năm chỉ đạt hơn 42% kế hoạch. Tiến độ giải ngân dù được đẩy nhanh hơn nhưng so với yêu cầu, nhiệm vụ vẫn là thách thức lớn.

 Buổi họp báo giới thiệu chương trình Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Buổi họp báo giới thiệu chương trình Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Mặt khác, sau hơn hai năm đại dịch, “sức khỏe” của nền kinh tế đang bị bào mòn, hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, đơn hàng thiếu, người lao động mất việc làm. Thị trường trái phiếu, bất động sản cũng đang khó khăn. Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất nhưng tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn…

Nhấn mạnh đây là những vấn đề cần tiếp tục giải quyết nhưng chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng “kinh tế Việt Nam 2023 vẫn là điểm sáng trong bức tranh xám màu của nền kinh tế thế giới”.

Trong khi đó, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển thông tin dự báo năm 2023 chỉ hoàn thành 10/15 chỉ tiêu. Đáng chú ý, năm chỉ tiêu không đạt lại là những chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng như tốc độ tăng trưởng, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong tổng sản phẩm quốc nội GDP…

“Chỉ tiêu không đạt được vừa có tính cấp bách trong ngắn hạn vừa đặt ra vấn đề trong dài hạn” - ông Hiển nói và cho biết đây là lý do Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2023 tập trung vào vấn đề tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững.

Khơi thông, kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết diễn đàn năm nay sẽ tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ bối cảnh quốc tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi, phát triển của kinh tế thế giới; chính sách kinh tế của các nước lớn, các đối tác thương mại chính của Việt Nam và tác động đến Việt Nam.

Đồng thời đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 3 năm 2021-2023; nhận diện các nút thắt, rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm các vấn đề của thị trường đầu vào - đầu ra, đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng của nền kinh tế, rào cản đối với doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường tài chính - tiền tệ… và các chính sách, giải pháp trước mắt và dài hạn.

 Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Cuối cùng là phát hiện, đề xuất các dư địa, tiềm năng phát triển; đề xuất các giải pháp, chính sách để khơi thông nguồn lực, kiến tạo các động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh, tận dụng cơ hội mới…

Giảm VAT để kích thích thị trường nội địa tăng trưởng

Tại cuộc họp báo, ông Vũ Hồng Thanh nhận được câu hỏi có nên đề xuất kéo dài giảm thuế VAT không, khi tại kỳ họp hồi tháng 6, Quốc hội quyết nghị giảm 2% với các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 10% đến hết năm 2023, trừ lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

Trả lời, ông Vũ Hồng Thanh cho hay qua khảo sát sơ bộ, doanh nghiệp, người dân vẫn muốn kéo dài chính sách này trong thời gian tới. Tuy nhiên, cần phải có đánh giá, tổng kết sau thời gian thực hiện vừa qua để chỉ rõ mặt tích cực cũng như hạn chế.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: NGHĨA ĐỨC

“Sắp tới, Chính phủ cũng phải báo cáo tại kỳ họp Quốc hội cuối năm để xem có cần kéo dài chính sách này không. Thị trường nội địa là quan trọng, kích thích nền kinh tế, do đó theo ý kiến cá nhân tôi, chính sách được kéo dài sẽ kích thích thị trường nội địa tăng trưởng” - ông Thanh nói.

Về vấn đề sửa đổi thuế thu nhập cá nhân, trong đó có nâng mức giảm trừ gia cảnh, ông Thanh cho hay rất nhiều ý kiến nêu ra nhưng hiện Ủy ban Tài chính - Ngân sách chưa nhận được tờ trình về vấn đề này.

Diễn đàn Kinh tế - xã hội là hoạt động thường niên của Quốc hội. Qua hai lần tổ chức từ đầu nhiệm kỳ đến nay, diễn đàn đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thành công của Diễn đàn Kinh tế 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” và Diễn đàn Kinh tế - xã hội 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển bền vững” đã để lại nhiều bài học quý.

Nhiều gợi ý chính sách tại diễn đàn đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các chính sách ứng phó kịp thời, phù hợp với bối cảnh và điều kiện tình hình mới.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/khoi-thong-nguon-luc-kien-tao-dong-luc-thuc-day-tang-truong-post751882.html