Khơi thông nguồn nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam đã bước vào giai đoạn trọng yếu, cần nhiều sự đầu tư theo chiều sâu để có thể tạo ra các startup có chất lượng cao và mang tầm quốc tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang phát triển với số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhiều và có sự đồng hành rất lớn từ Chính phủ.
Tuy nhiên, sau thời gian phát triển chạy theo số lượng, đã tới lúc hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam cần được vận hành theo đúng nghĩa: Kết nối, ươm mầm và cho ra lò những startup có sản phẩm, dịch vụ sáng tạo ý nghĩa.
Chủ tịch Mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam Nguyễn Phi Vân chia sẻ, một hệ sinh thái bền vững cần xây dựng bản đồ hành trình của nhân lực đổi mới sáng tạo, từ khi vừa bắt đầu đi học đến khi đã thành công và có thể quay trở về cống hiến, tạo thành một chuỗi giá trị hỗ trợ đổi mới sáng tạo khép kín. Đây là điều mà Việt Nam đang còn yếu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam đã bước vào giai đoạn trọng yếu, cần nhiều sự đầu tư theo chiều sâu để có thể tạo ra các startup có chất lượng cao và mang tầm quốc tế.
Để làm được điều này, phát triển nguồn nhân lực được xác định nền tảng quan trọng nhất. Tuy nhiên, nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính, tự động hóa… của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
"Để giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và tăng cường lợi thế cạnh tranh mới của nền kinh tế, Việt Nam cần đào tạo nâng cao và đào tạo lại nguồn nhân lực trong nước, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong kỷ nguyên số, thích ứng với trạng thái bình thường mới hậu Covid-19", Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Sau hàng thập kỷ, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, ngành công nghiệp và dịch vụ của Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng thúc đẩy bởi sức mạnh trí tuệ của một lực lượng lao động trẻ đang phát triển.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những cơ hội và thách thức lớn trong việc đào tạo nâng cao và đào tạo lại nguồn nhân lực để tận dụng các tiến bộ công nghệ, từ đó đẩy mạnh và hình thành các lợi thế cạnh tranh mới của nền kinh tế.
Dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số và các doanh nghiệp số hóa khiến cho việc nâng cấp lại lực lượng lao động để thích ứng với nền kinh tế số và giai đoạn "bình thường mới" càng trở nên cấp thiết.
Nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thời gian qua, các bộ, ban, ngành đã triển khai nhiều chương trình, dự án đào tạo nguồn nhân lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Giám đốc USAID Việt Nam, bà Ann Marie Yastishock cho biết hoạt động USAID WISE thể hiện cam kết của Hoa kỳ trong việc hợp tác với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Chính phủ Việt Nam.
USAID WISE sẽ hỗ trợ các mô hình có thể mở rộng, theo định hướng thị trường và bền vững nhằm xây dựng nguồn nhân lực của Việt Nam sẵn sàng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư thông qua các quan hệ đối tác với khu vực tư nhân.
Cùng với đó, hoạt động sẽ hỗ trợ đào tạo kỹ năng số cơ bản, cung cấp thông tin lộ trình nghề nghiệp để ra quyết định sáng suốt về đầu tư phát triển tài năng, cung cấp công nghệ thông tin, đào tạo nâng cao/đào tạo lại để thúc đẩy học tập suốt đời và tìm kiếm các cơ chế tài chính sáng tạo.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ là đối tác chính từ phía Chính phủ Việt Nam cho hoạt động USAID WISE.
Hoạt động sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và kết nối các cơ quan chính phủ về phát triển nguồn nhân lực nhằm giúp họ có thể thực hiện đào tạo nâng cao/đào tạo lại có hiệu quả nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung Đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết, thông qua hoạt động USAID WISE dự kiến, trung tâm sẽ thực hiện được 5 mục tiêu cơ bản.
Đó là đào tạo kỹ năng số cơ bản cho sinh viên; xây dựng một thị trường năng động, chất lượng về đào tạo kỹ năng số; thúc đẩy đổi mới các sản phẩm tài chính sáng tạo cho giáo dục; nâng cao năng lực cho các tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời, xây dựng, vận hành hiệu quả Chương trình đối tác phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo.