Khơi thông nguồn vốn tín dụng chính sách

Nhiều năm qua, tín dụng chính sách đã thực sự là 'đòn bẩy' giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Mô hình nuôi dúi của anh Nguyễn Đình Hưởng, thôn Khuôn Tắng, xã Bình Văn (Chợ Mới) được vay vốn từ Ngân hàng CSXH ủy thác qua tổ chức Đoàn thanh niên.

Đến nay cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã nhận thức được vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm cho lao động tại các địa phương.

Công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nghị quyết đại hội đảng các cấp.

Ông Lại Văn Tú, Giám đốc HTX Tú Hương, xã Quang Phong, huyện Na Rì.

Trong 10 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho vay đạt trên 7.012 tỷ đồng, cho trên 170 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, giai đoạn 2015 - 2019 đã thực hiện giải ngân cho vay đạt 2.974 tỷ đồng, cho 93.892 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; giai đoạn 2020 đến 30/4/2024, thực hiện giải ngân cho vay đạt 4.038 tỷ đồng, cho 76.251 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Na Rì.

Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội, để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến 30/4/2024, tổng nguồn vốn cho vay các chương trình đạt 3.331 tỷ đồng, tăng 2.030 tỷ đồng so với cuối năm 2014; tăng 1.272 tỷ đồng so với cuối năm 2019; tốc độ tăng trưởng bình quân 15,6%/năm. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách tại địa phương 85,4 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 2,56% tổng nguồn vốn). Cụ thể, nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh 52,9 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách cấp huyện 32,5 tỷ đồng. Nguồn vốn do Chi nhánh NHCSXH tỉnh huy động được Trung ương cấp bù lãi suất 332,4 tỷ đồng.

Bà Hoàng Thị Nhạn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chợ Mới.

Nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện lồng ghép nguồn vốn này với các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP), mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết...

Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.

Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Kạn tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn; tạo cơ hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi./.

Nguyễn Nghĩa

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/khoi-thong-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-post63985.html