Khơi thông sông Cổ Cò tạo đột phá cho Quảng Nam và Đà Nẵng
Chiều 8-1, tại TP Hội An (Quảng Nam), Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo 'Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng'.
Chiều 8-1, tại TP Hội An (Quảng Nam), Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo "Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng".
Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng; đại diện các cơ quan liên quan của hai địa phương cùng các chuyên gia và hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, bất động sản, phát triển đô thị…
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, từ cuối thế kỷ XIX, sông Cổ Cò (xưa gọi là Lộ Cảnh Giang) - con sông nổi tiếng trong lịch sử giao thương nối Đà Nẵng với Hội An trong giai đoạn thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII bị bồi lấp, gây nên những thiệt hại lớn về nhiều mặt cho tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
Từ năm 2012 tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã hợp tác khơi thông sông Cổ Cò. Việc khơi thông dòng sông Cổ Cò chảy qua địa phận tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tham gia ý kiến tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhận định, khơi thông sông Cổ Cò không chỉ có ý nghĩa lịch sử, văn hóa sâu sắc mà còn tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội nhất là ngành du lịch, phát triển đô thị và bất động sản không chỉ tại hai địa phương: Quảng Nam, Đà Nẵng mà còn tác động lớn đến sự phát triển của cả miền trung.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhìn nhận, dòng sông Cổ Cò tuy ngắn (dài 25km) nhưng nó mang trong mình rất nhiều ý nghĩa về lịch sử - văn hóa, tự nhiên và môi trường. Năm 1994, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) đã đặt vấn đề nghiên cứu, khôi phục lại dòng sông Cổ Cò. Vào thời điểm đó, chỉ mang ý nghĩa khơi thông một dòng sông, chứ không nghĩ rằng sau này dòng sông này có tác dụng vô cùng to lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, lịch sử như ngày hôm nay.
Theo ông Thanh, việc khơi thông sông Cổ Cò là niềm mong mỏi rất lớn không chỉ của đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng và còn là khát vọng của các nhà đầu tư, người con xa quê.
Còn GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì cho rằng, việc tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng cùng bắt tay, khơi thông dòng sông Cổ Cò không chỉ sẽ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc.
Dự án nạo vét sông Cổ Cò được triển khai sẽ rút ngắn được thời gian di chuyển từ TP Đà Nẵng vào Hội An bằng đường thủy, tạo lợi thế lớn về cơ sở hạ tầng, thu hút vốn đầu tư trong nước và quốc tế. Từ đó, không chỉ tạo ra bước đột phá trong phát triển KT-XH tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng mà còn tác động lớn đến sự phát triển của khu vực miền trung.
Theo GS,TSKH Nguyễn Mại, dự án nạo vét sông Cổ Cò là một dự án có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng, do vậy, sau hội thảo này, lãnh đạo hai địa phương cần kiến nghị Chính phủ, các bộ đưa vào kế hoạch 5 năm đến để có chính sách, cơ chế ưu đãi, tạo thuận lợi cho Quảng Nam, Đà Nẵng thực hiện nhanh và có hiệu quả cao.