Khơi thông tín dụng cho sản xuất - kinh doanh
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xử lý nghiêm các ngân hàng đưa thêm những điều kiện, yêu cầu không đúng quy định, gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân
Ngày 7-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm
Tại cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết đến ngày 30-11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỉ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022. Hiện lãi suất huy động, cho vay đã giảm bình quân 2% - 3% so với cuối năm 2022. Dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Về chương trình gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đã có 4 ngân hàng thương mại cam kết cấp tín dụng cho 6 dự án với số tiền 1.986 tỉ đồng, đã giải ngân cho 4 dự án với số tiền 143 tỉ đồng. Về chương trình tín dụng 20.000 tỉ đồng cho công nhân, đến hết tháng 11-2023 đã giải ngân 9.386 tỉ đồng.
Đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt 207.000 tỉ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất gần 64.000 tỉ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt hơn 980 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - đánh giá gói tín dụng 15.000 tỉ đồng cho lâm sản, thủy sản đã được giải ngân nhanh, đạt hơn 9.000 tỉ đồng.
Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam Kang Gew Won, Shinhan đã được NHNN tăng thêm 5% room tín dụng. Ông Kang Gew Won cho rằng việc tăng room tín dụng này là hành động rất kịp thời, ý nghĩa để người dân và DN có thể tiếp cận tín dụng dễ hơn.
Mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương NHNN đã điều hành để vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong tháng 9 và 10-2023.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng tăng trưởng tín dụng còn thấp; mức tăng trưởng không đồng đều - một số tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tăng trưởng khá cao, một số tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm; DN tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn.
Dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng trên 700.000 tỉ đồng cấp cho nền kinh tế. Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng, nhất là gói 120.000 tỉ đồng xây dựng nhà ở xã hội. Nợ xấu có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống…
Thủ tướng chỉ rõ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại áp dụng hồ sơ, thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp; lãi suất còn cao so với khả năng chi trả của DN; còn hiện tượng tiêu cực mà các cơ quan có trách nhiệm sẽ làm sáng tỏ.
Bên cạnh đó, do khó khăn trong đầu tư, sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu đã làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Một số DN có nhu cầu vay nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay (nhất là nhóm DN vừa và nhỏ); mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn khi khó chứng minh được tính hiệu quả.
Đáng chú ý, việc điều hành tín dụng đôi khi còn bị động, cần kịp thời hơn nữa (bao gồm cả việc cấp hạn mức tăng tín dụng) mới bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Việc ban hành một số cơ chế, chính sách tín dụng còn hơi cứng nhắc, chưa sát tình hình và yêu cầu thực tiễn (như một số điều kiện, điều khoản trong Thông tư 06, sau đó đã được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 10).
Nghiêm cấm dành lãi suất thấp cho lãnh đạo ngân hàng
Để tiếp tục triển khai hiệu quả, thiết thực, quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, Thủ tướng đề nghị sự chung tay, chung sức, đồng lòng theo tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa nhà nước, DN và người dân.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành linh hoạt, hài hòa giữa lãi suất và tỉ giá; thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp. NHNN cần nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào những lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
NHNN được yêu cầu chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát những điều kiện tín dụng, linh hoạt hơn, sát tình hình hơn nữa (nhất là về tài sản thế chấp, thủ tục cho vay…) để hỗ trợ DN, người dân tiếp cận vốn thuận lợi hơn; đồng thời, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay; đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi trong những lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Đồng thời, triển khai quyết liệt, hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Bên cạnh đó, NHNN khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện đối với Thông tư 02/2023, Thông tư 03/2023, Thông tư 06/2023, Thông tư 10/2023…
Đẩy mạnh xử lý nợ xấu; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro.
Cùng với đó, tiếp tục kiểm soát tốt, ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, cho vay chéo dẫn đến mất an toàn hệ thống.
Đối với các tổ chức tín dụng, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và DN.
Bên cạnh đó, cần công bố công khai lãi suất bình quân của ngân hàng; tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
"Chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số DN, dự án thuộc hệ sinh thái hoặc thuộc "sân sau" của tập đoàn, dễ làm mất an toàn và lành mạnh của ngân hàng. Nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng và dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo ngân hàng" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, đối với chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ, mỗi ngân hàng thương mại nghiên cứu, xây dựng đề án riêng để đẩy mạnh cho vay với đối tượng này.
Phát triển hệ thống các tổ chức tài chính cho vay tiêu dùng
Thủ tướng đề nghị Bộ Công an tiếp tục chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Đồng thời, có giải pháp quyết liệt xử lý các vi phạm của tổ chức, cá nhân trá hình kinh doanh tiền tệ; tạo điều kiện củng cố và phát triển hệ thống các tổ chức tài chính cho vay tiêu dùng, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.
Thủ tướng còn yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý vi phạm trong trường hợp người dân đến gửi tiền tại ngân hàng thì được môi giới mua trái phiếu DN riêng lẻ với lãi suất cao hơn. Các cơ quan truyền thông cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khoi-thong-tin-dung-cho-san-xuat-kinh-doanh-19623120721025546.htm