Khơi thông tín dụng, 'đòn bẩy' tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
Tái cơ cấu (TCC) ngành Nông nghiệp (NN) là chủ trương lớn của tỉnh nhằm nâng cao giá trị; tăng thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững; xây dựng Nông thôn mới; khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển NN bền vững… Để thực hiện mục tiêu quan trọng này, việc khơi thông nguồn vốn tín dụng trở thành một trong những yếu tố mang tính chất quyết định.
Đề án TCC ngành NN xác định 6 cây, con chủ lực của tỉnh, có lợi thế so sánh, có khả năng sản xuất hàng hóa và có tín hiệu thị trường, gồm: Cam, chè, dược liệu và trâu, bò, ong. Các cây, con chủ lực này tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, sản xuất theo hướng an toàn. Trên cơ sở này, tỉnh ta đã ban hành được chính sách riêng để khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư trực tiếp vào NN, nông thôn. Minh chứng cho thấy, ngày 10.12.2015, Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất NN hàng hóa trên địa bàn tỉnh ra đời (sau sửa đổi, bổ sung và trở thành Nghị quyết số 86 và 29/2018/NQ-HĐND, ngày 7.12.2018 của HĐND tỉnh); đánh dấu nguồn vốn tín dụng đầu tư trực tiếp vào NN theo hướng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ lãi suất vay vốn và hỗ trợ trực tiếp đối với tổ chức có tư cách pháp nhân, trang trại, cá nhân, hộ gia đình thực hiện sản xuất hàng hóa những loại cây, con theo Đề án TCC ngành NN; chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê, gia cầm; lâm nghiệp, dồn điền đổi thửa hay Dự án ứng dụng công nghệ cao.
Từ Nghị quyết số 209 và 86, toàn tỉnh đã có 19.396 hộ đăng ký vay vốn với nhu cầu lên đến 1.686.228 triệu đồng; trong đó, 42% hồ sơ đủ điều kiện vay vốn đã được giải ngân 667.596 triệu đồng (chiếm 95,5% số hộ đủ điều kiện vay vốn). Riêng Nghị quyết số 29 đã có 376 hộ đăng ký vay vốn 81.131 triệu đồng. Trong đó, 118 hồ sơ đủ điều kiện vay vốn 29.141 triệu đồng. Và nay, đã có 79 hộ được giải ngân 17.341 triệu đồng để sản xuất kinh doanh.
Anh Hứa Văn Ương, thôn Tân Tiến (xã Hùng An – Bắc Quang) chia sẻ: Năm 2016, tôi được hỗ trợ vốn vay 60 triệu đồng để mua 3 con trâu sinh sản, nâng tổng đàn trâu của gia đình lên 5 con. Sau hơn 2 năm, đàn trâu sinh sản thêm 2 con nghé. Cuối năm 2018, tôi xuất bán đàn trâu 5 con, thu hơn 200 triệu đồng. Với số tiền này cùng tài sản tích lũy, giờ đây, gia đình tôi không những hoàn vốn vay mà còn mua được xe ô tô tải để chở vật liệu xây dựng, tạo thêm sinh kế, cải thiện chất lượng cuộc sống…
Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, từ Nghị quyết số 209 và 86, sau khi được vay vốn và hỗ trợ lãi suất để thâm canh vườn cam, chè theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất trung bình của các hộ sản xuất tăng, đi liền với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành cao hơn so với sản phẩm thông thường và lợi nhuận tăng thêm từ 3 - 7 triệu đồng/ha đối với chè và 10 - 30 triệu đồng đối với 1 ha cam. Riêng nguồn vốn hỗ trợ trồng mới cây dược liệu, đã có 9 hộ được giải ngân 1.415 triệu đồng để trồng 28,5 ha dược liệu, như: Atiso, Đương quy, Bình vôi, Hà Thủ ô đỏ, Đinh lăng... Sau 6 tháng trồng, 1 ha Atiso cho thu hoạch khoảng 50 tấn lá tươi, 1,5 tấn rễ củ và hoa, tạo doanh thu 150 triệu đồng cho người sản xuất. Tương tự, cây Đương quy cho thu hoạch khoảng 8 – 10 tấn củ tươi, tạo doanh thu từ 400 – 600 triệu đồng sau 1 năm sản xuất. Tiêu biểu trong lĩnh vực này, Hợp tác xã (HTX) Cộng đồng Nặm Đăm (xã Quản Bạ, Quản Bạ) đã đầu tư cơ sở sơ chế dược liệu và được Sở Y tế thẩm định đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng. Hiện nay, HTX đã sản xuất trên 15 sản phẩm, trong đó có 9 sản phẩm công bố hợp quy, như: Cao thuốc tắm, Cao Atiso, Trà gừng và 5 sản phẩm tinh dầu... góp phần đem lại nguồn doanh thu trên 1,5 tỷ đồng/năm cho HTX...
Không dừng ở kết quả trên, toàn tỉnh còn có 5 HTX được hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông, lâm nghiệp với số tiền giải ngân 2.900 triệu đồng. Trong đó, HTX Thành Công (Đồng Văn) vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh đóng hộp Ớt gió ngâm dấm với hiệu quả kinh tế lên đến hơn 900 triệu đồng/năm. Còn HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) tiếp cận nguồn vốn vay để chăm sóc, thâm canh 175 ha cam theo hướng VietGAP, tạo doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm. Hay HTX Thanh Thủy, xã Vĩ Thượng (Quang Bình) được đầu tư vốn để sản xuất gạo chất lượng cao với lợi nhuận (sau khi trừ chi phí) đạt hàng trăm triệu đồng/năm…
Cùng với kết quả trên, khơi thông nguồn vốn tín dụng để TCC ngành NN; đến nay, ngành NN của tỉnh có bước phát triển tự hào khi 6 sản phẩm thế mạnh được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý; đưa tỉnh ta trở thành địa phương có nhiều chỉ dẫn địa lý nhất cả nước, bao gồm: Hồng không hạt Quản Bạ; Gạo tẻ Già Dui Xín Mần; cam Sành Hà Giang, chè Shan tuyết Hà Giang; mật ong Bạc hà Mèo Vạc và thịt bò vàng Cao nguyên đá Đồng Văn. Không những vậy, tỉnh ta còn có 22 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được tôn vinh cấp tỉnh...; nhân thêm động lực để TCC ngành NN thành công.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG