Khởi tố 17 vụ liên quan buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Trong tháng 10-2023, Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã thanh kiểm tra 3.232 vụ, xử lý 3.025 vụ, khởi tố 17 vụ liên quan đến buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp

Nhận xét về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trong tháng 10, đại diện Ban chỉ đạo 389 thành phố cho biết nguồn cung hàng hóa bảo đảm, giá hàng hóa không có biến động bất thường so với tháng trước. Nhu cầu đối với các mặt hàng về thực phẩm về dịp cuối năm của người dân dự báo tăng cao, vi phạm về an toàn thực phẩm có nhiều diễn biến phức tạp. Về mặt hàng xăng dầu, cơ bản hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra bình thường, lượng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hay tăng giá đột biến.

Các đơn vị chức năng Hà Nội phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm về hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại

Các đơn vị chức năng Hà Nội phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm về hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn diễn biến phức tạp, thường tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: thuốc lá, rượu, quần áo may sẵn, đồ điện tử, điện thoại di động, mỹ phẩm, thực phẩm các loại... Một số vụ việc điển hình đã được các lực lượng chức năng thành phố phát kiện kịp thời.

Điển hình, ngày 23-9-2023, Đội Quản lý thị trường số 10 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Sóc Sơn khám 12 kiện hàng hóa gồm 469 điện thoại di động, máy tính bảng, laptop các loại do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ kèm theo hàng hóa. Ngày 9-10, Đội Quản lý thị trường số 17 phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Công an thành phố Hà Nội phát hiện 1.390 sản phẩm thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo an toàn sử dụng. Ngày 12-10, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phát hiện một cơ sở kinh doanh tập kết 1.459 ống phóng pháo hoa là pháo hoa giả mạo của Công ty TNHH một thành viên hóa chất 21 - Bộ Quốc phòng.

Kiểm tra xử lý hơn 3.232 vụ

Trong tháng 10, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 3.232 vụ; xử lý 3.025 vụ, khởi tố 17 vụ đối với 21 đối tượng về hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại. Tổng thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 450 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính hơn 178 tỷ đồng, truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra 272 tỷ đồng.

Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã thường xuyên tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Thành phố các văn bản chỉ đạo về đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố Hà Nội theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, UBND Thành phố.

Ban hành các văn bản chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm trong hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, gia cầm đặc biệt là lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới vào Việt Nam; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh xăng dầu; kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng xe điện...

Công an thành phố đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, đối tượng để xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm tàng trữ, sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm về an toàn thực phẩm, hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử và các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cục Hải quan thành phố Hà Nội tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát Hải quan, kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, các mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao, trị giá hàng hóa lớn, hàng giả, hàng vi phạm SHTT; trong đó đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống ma túy; Kiểm tra, kiểm soát hoạt động tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển, đầu tư, gia công, sản xuất, xuất khẩu; hoạt động xuất nhập cảnh nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý kịp thời hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Cục Thuế thành phố Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, giám sát việc kê khai thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế nhằm chống các hành vi gian lận thuế, chiếm đoạt tiền thuế từ ngân sách Nhà nước; không để các tổ chức, cá nhân vi phạm lợi dụng kẽ hở để buôn lậu, trốn thuế; xử lý hiệu quả tình trạng chuyển giá, trốn thuế. Kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp làm ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng Thủ đô, cụ thể: sử dụng hàng thực phẩm hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng, hành vi sửa thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc đối với các loại thực phẩm động vật, sản phẩm động vật, thủy hải sản, hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi…

Sở Y tế Hà Nội thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu; thanh tra, kiểm tra về nguồn gốc, chất lượng thuốc và phòng chống thuốc giả; việc sử dụng thuốc và trang thiết bị tại phòng khám nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.Thanh tra, kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm; thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ ăn uống (bếp ăn tập thể, nhà hàng, chế biến suất ăn sẵn); sản xuất nước uống đóng chai, nước giải khát…; việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; kinh doanh, sử dụng phụ gia, nguyên liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.

Cùng với đó, các đơn vị thuộc Ban chỉ đạo 389 thành phố đã phối hợp đồng bộ theo chức năng, nhiệm vụ.

Đánh giá chung, Ban chỉ đạo 389 thành phố đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tích cực, chủ động trong điều hành, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên, phối hợp tốt giữa các lực lượng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm,... đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần ổn định thị trường thành phố, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của các nhà sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khoi-to-17-vu-lien-quan-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-hang-gia-post555773.antd