Khởi tố 2 người đi xe máy gây gổ trên đường Vành đai 2 và câu chuyện ứng xử sau va chạm
Việc cơ quan điều tra đã khởi tố, tạm giam 2 người đi xe máy, gây gổ trên đường Vành đai 2 trên cao (Hà Nội) là cái giá phải trả khá đắt cho hành vi không kiềm chế và cách ứng xử thiếu văn minh khi tham gia giao thông.
Khởi tố 2 người đi xe máy, gây gổ trên đường vành đai 2 trên cao
Ngày 4/3, cơ quan điều tra đã khởi tố 2 người đi xe máy, gây gổ trên đường Vành đai 2 trên cao (Hà Nội). Cơ quan tố tụng xác định, 2 người này có hành vi gây rối trật tự công cộng.
Trước đó, vào khoảng 16h ngày 25/2, chị A, trú tại Hà Nội điều khiển ô tô BKS 30E... đi trên đường Vành đai 2 trên cao hướng từ cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Sở, khi đi đến đoạn phía trên cầu Mai Động, phường Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội thì bị xe SH màu da cam BKS 29H1... do Trần Văn Hiệp (SN 1986) điều khiển chở Trịnh Thịnh (SN 1980, cùng trú tại Hà Nội) lạng lách, tạt đầu xe ô tô, đập vào xe của chị A rồi chửi bới.
Sau đó Hiệp và Thịnh tiếp tục di chuyển trên đường Vành đai 2 trên cao và gây gổ với 2 nam giới trong xe ô tô màu trắng. Đỉnh điểm, 2 nam thanh niên này dùng chân tay không đánh nhau với những người đi trên xe ô tô.
Trước đó, ngày 28/2, Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Lê Tuấn Đức (SN 1991, trú tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội) để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản theo Điều 178 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan chức năng xác định, do trong khi di chuyển trên đường Đức đã xảy ra va chạm với xe buýt. Khi đến điểm trung chuyển trước cổng Trường Đại học Điện lực, Đức điều khiển xe ô tô của mình phóng qua, rồi dừng lại trước đầu xe buýt.
Tiếp theo đó, Đức cầm 2 con dao (dạng dao quắm) đi tới đầu xe buýt, chửi bới, đe dọa, rồi chém vào kính chắn gió phía trước và lốp xe phía trước bên trái của xe buýt làm hư hỏng tài sản. Cơ quan chức năng xác định tài sản bị hủy hoại trị giá 18 triệu đồng.
Căn cứ vào hành vi của Nguyễn Lê Tuấn Đức, Công an quận Bắc Từ Liêm đã ra lệnh tạm giữ hình sự, củng cố hồ sơ về hành vi hủy hoại tài sản.
Lời xin lỗi muộn màng
Trái với những hành động hung hăng khi thể hiện những hành vi côn đồ trên đường phố, tại cơ quan công an, có đối tượng đã bật khóc khi biết mình bị khởi tố.
Cụ thể, sau khi biết mình bị khởi tố, đối tượng Nguyễn Lê Tuấn Đức thể hiện sự ân hận vì đã để lý trí mất kiểm soát. Đức nghẹn ngào, khóc nấc khi nghĩ đến cảnh nếu mình đi tù, ai sẽ chăm con gái.
Hoặc như các hình ảnh được chia sẻ của Nguyễn Văn Hiệp và Trịnh Thịnh tại cơ quan công an. Hình ảnh 2 người đàn ông cúi gằm mặt, lặng lẽ ngồi viết lời khai tại trụ sở công an trái ngược hẳn với hình ảnh hung hăng mới được chia sẻ trước đó.
Cũng không giấu nổi cảm xúc, 2 thanh niên nhìn ngổ ngáo lại tỏ ra vô cùng bất an, lo lắng khi biết mình sắp phải đối diện với mức án tù.
Lời xin lỗi của các đối tượng này đưa ra đã quá muộn. Giá như trước đó, trước khi hành xử, họ giữ được cho mình chiếc đầu lạnh cũng như tôi rèn cho mình ý thức ứng xử văn hóa khi va chạm giao thông.
Cần ứng xử văn minh trên tinh thần thượng tôn pháp luật
Thực tế khi lưu thông trên đường, việc va chạm có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nhiều người để cho mình rơi vào trạng thái bực bội, nóng nảy, từ đó không đủ bình tĩnh để xử lý tình huống, khiến cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.
Dù cố ý hay vô tình vi phạm luật giao thông nhưng để xảy ra va chạm là điều không một ai mong muốn. Tuy nhiên, cái cách ứng xử sau mỗi va chạm là tiền đề để câu chuyện thành đơn giản hay trở nên phức tạp hơn.
Điều này cũng được các cơ quan chức năng xác nhận. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến các vụ ẩu đả sau va chạm giao thông có thể do chủ phương tiện không đủ bình tĩnh để kiểm soát cảm xúc bản thân nên có những lời nói, hành động thiếu văn hóa khiến mâu thuẫn càng gay gắt. Mặt khác, việc thiếu hiểu biết về pháp luật cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng một bộ phận người tham gia giao thông “thích bắt nạt” người khác mà quên đi những hệ lụy pháp lý có thể sẽ gặp phải bởi chính hành vi của mình.
Cũng chia sẻ về các hành vi thiếu văn hóa khi xảy ra va chạm khi tham gia giao thông, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, khi xảy ra va chạm giao thông thì các bên cần bình tĩnh, ứng xử văn minh để đưa phương án giải quyết tối ưu nhất trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng lẫn nhau.
“Nếu người trong cuộc sử dụng vũ lực hoặc những hành vi côn đồ để giải quyết thì chỉ khiến mình hoặc đối phương cùng thiệt và có thể vướng vào vòng lao lý.” – luật sư Hùng nói.
Luật sư Hùng phân tích, trong các vụ va chạm, nếu các bên có hành vi gây nguy hiểm cho đối phương thì căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi, công cụ, phương tiện, hậu quả tổn hại về sức khỏe thì sẽ bị truy tố về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, với hình thấp nhất là 6 tháng tù và cao nhất là phạt tù chung thân.
“Còn trong trường hợp mang hung khí, tham gia ẩu đả gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại những nơi đông đúc, nhiều người qua lại… có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, với mức phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt tù đến 7 năm.” – luật sư Hùng cho biết.
Vì vậy, theo luật sư Hùng, mỗi người khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông cần phải tự hiểu về văn hóa ứng xử, biết kiềm chế cơn nóng giận nhất thời để đưa ra phương án giải quyết tốt nhất, có lợi nhất cho mình, cho người.
Việc cãi cọ, gây gổ, dùng sức mạnh hay thể hiện mình không bao giờ là phương án tối ưu. Bởi lẽ, thực tế đã chứng minh, rất nhiều những vụ việc cả giận mất khôn, nhiều người đã vướng vào vòng lao lý chỉ bởi những va chạm nhẹ.
Luật pháp đã quy định rất rõ các hành vi được hay không được khi tham gia giao thông, đồng thời cũng có những chế tài xử lý. Vậy nên, bên cạnh văn hóa ứng xử, đó còn là mỗi người cần phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Đừng bất chấp để rồi thiệt mình, hại người.