Khởi tố bị can Nguyễn Phương Hằng: Tự do ngôn luận nhưng đừng quá đà

Sau một thời gian dài liên tục 'gây bão' trên mạng xã hội bằng các livestream phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác, ngày 24/03, bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam đã bị khởi tố về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Câu chuyện bắt đầu từ việc bà chủ Đại Nam lên tiếng tố cáo bị một thần y lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tiếp theo đó là màn bóc phốt, bôi xấu nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và cho rằng họ ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt năm 2020. Sức mạnh và độ hot (nóng) của cái tên Nguyễn Phương Hằng được đẩy lên đến mức siêu khủng khi các đối tượng xuất hiện trong livestream ngày càng được mở rộng. CEO Đại Nam giống như nữ hiệp dám nói dám làm. Tuy nhiên, điều này cũng gây nên nhiều bất bình trong xã hội.

Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG: Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Rất nhiều cử tri, công dân thông tin tới tôi về vụ bà Phương Hằng. Cử tri yêu cầu phải có thái độ về việc của bà Phương Hằng khi tung tin như và làm náo loạn truyền thông xã hội. Quan điểm của tôi, trách nhiệm khi xảy ra câu chuyện này thuộc về cơ quan quản lý tỉnh Bình Dương”.

Trung tướng Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Việc đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc sự thật, thông tin cá nhân đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín cá nhân, uy tín nhân phẩm của con người.”

Tuy nhiên, sau khi điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh đã kết luận các nghệ sĩ, ca sĩ không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp. Các buổi livestream dày đặc hơn với những ngôn từ nặng nề hơn, khó nghe hơn khiến cảm giác về một nữ hiệp dần dần chuyển sang một sự khó chịu, mang cảm giác nặng nề và tiêu cực.

Luật Sư BÙI ĐÌNH ỨNG, Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng: “Chúng ta đã thấy suốt 2 năm qua bà Phương Hằng lợi dụng mạng xã hội, quay clip trực tiếp, dùng những ngôn từ từ ngữ phải nói là phản cảm, có thể nói là lộng ngôn trên mạng xã hội, không chỉ đụng chạm cá nhân mà còn đụng chạm tổ chức, vu khống bịa đặt, có thể dùng từ gọi là ô nhiễm trên mạng xã hội”.

Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp…”. Tuy nhiên, công dân không có quyền lợi dụng tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức. Rõ ràng, ai cũng có quyền tự do ngôn luận nhưng nếu thực hiện quyền của mình mà gây tổn thương, xâm hại người khác thì phải bị chế tài.

Bị can Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về ứng xử văn minh trên không gian mạng. Chúng tôi đã mời đến trường quay Luật sư Đặng Xuân Cường để làm rõ hơn về nội dung này.

Mời quý khán giả theo dõi trao đổi giữa Truyền hình Quốc hội Việt Nam với luật sư Đặng Xuân Cường!

Thực hiện : Trọng Hiếu Tiến Cường

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/khoi-to-bi-can-nguyen-phuong-hang-tu-do-ngon-luan-nhung-dung-qua-da