Khởi tố bị can Trương Quý Sửu - nguyên trưởng phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai
Ngày 5/6, Công an tỉnh Gia Lai khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trương Quý Sửu, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai để điều tra về tội 'Vi phạm các quy định quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí'.
Vì sao ông Trương Quý Sửu bị khởi tố, bắt tạm giam?
Bị can Trương Quý Sửu bị tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi "Vi phạm các quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Trước đó, vào tháng 6/2022, Thanh tra tỉnh Gia Lai ra kết luận thanh tra về việc đầu tư các dự án, mua sắm các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2015-2021.
Kết luận thanh tra cho thấy, Sở Giáo dục và Đào tại tỉnh Gia Lai được Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai giao làm chủ đầu tư 13 dự án phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin và gia hạn 2 phần mềm với tổng kinh phí thanh toán 33 tỉ đồng.
Tuy nhiên, qua quá trình thanh tra, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã chỉ ra sai phạm trong dự án mua sắm thiết bị và phần mềm “Hệ thống phần mềm số hóa và quản lý dữ liệu EDM” để thực hiện số hóa văn bằng, chứng chỉ xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai.
Cụ thể, cơ quan này đã phát hiện: nhiều dự án không công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; nhiều dự án hiệu quả sử dụng không cao, gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước. Từ đó, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã làm rõ số tiền sai phạm là hơn 2,3 tỉ đồng.
Từ những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Gia Lai. Sau đó, cơ quan này đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai từ tháng 11/2022.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, đã buộc thôi việc ông Trương Quý Sửu do không hoàn thành nhiệm vụ trong nhiều năm.
Việc điều tra, khởi tố vụ án trên được thực hiện độc lập.
Căn cứ vào điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được bổ sung bởi điểm k khoản 1 điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017; được sửa đổi bởi điểm l khoản 2 điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017) quy định về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" như sau:
1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.