Khởi tố Giám đốc không biết chữ điều hành trung tâm đăng kiểm

Khi bị bắt giữ, vị Giám đốc này khai học tới lớp 3. Tuy nhiên, qua xác minh tại địa phương, lực lượng chức năng cho rằng nắm được người này không đi học và không biết chữ.

Bị can Vinh

Bị can Vinh

Điều tra hai tội danh

Ngày 4/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nhà Bè (TP HCM) đã khởi tố 10 người liên quan sai phạm tại Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) 50-17D, huyện Nhà Bè, để điều tra về các hành vi Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ.

Danh tính những người này gồm Nguyễn Thanh Phong (42 tuổi, Chủ tịch HĐQT Cty An Phát); Hồ Hữu Tài (52 tuổi, Giám đốc TTĐK 50-17D); Trần Thanh Vinh (51 tuổi, Phó Gám đốc TTĐK 50-17D); Tào Huyên Thanh (vợ Phong, thủ quỹ TTĐK 50-17D); Phan Hữu Minh (28 tuổi); Phạm Công Danh (49 tuổi); Lê Tấn Thiện (26 tuổi); Nguyễn Trung Tín (28 tuổi); Dương Minh Khánh (28 tuổi, cùng là đăng kiểm viên), Đinh Thành Trung (30 tuổi, nhân viên). Trong số này, 9 người bị bắt tạm giam, riêng Tào Huyên Thanh được tại ngoại do nuôi con nhỏ.

Theo CQĐT, bị can Phong là Chủ tịch HĐQT Cty An Phát, thành lập TTĐK 50-17D từ 2019. Tuy nhiên, hoạt động được một thời gian thì dịch COVID-19 ập đến khiến hoạt động bị đình trệ dẫn đến nợ nần.

Một trong số chủ nợ của Phong là Hồ Hữu Tài. Để trả nợ cho Tài, Phong đưa Tài lên làm Giám đốc TTĐK 50-17D rồi trả nợ dần.

Riêng về phần Tài, khi bị bắt giữ, người này khai học tới lớp 3. Tuy nhiên, qua xác minh tại địa phương, lực lượng chức năng cho rằng nắm được người này không đi học và không biết chữ.

Trước khi làm Giám đốc TTĐK 50-17D, hoạt động kinh doanh cá nhân, kiêm san lấp mặt bằng. Là người đứng đầu, tuy nhiên mọi hoạt động của trung tâm được Tài giao lại hết cho cấp dưới, thậm chí việc ký giấy xác nhận đăng kiểm cũng do Vinh phụ trách.

Theo CQĐT, Phong và Tài có chủ trương cho phép các đăng kiểm viên bỏ qua lỗi vi phạm để nhận tiền hối lộ, kéo doanh thu về cho Cty.

Khi đó, Trung là người trực tiếp liên hệ nhận tiền hoặc thông qua kiểm định viên báo lỗi để nhận tiền hối lộ. Số tiền thu lợi hàng ngày, Trung sẽ đưa lại cho Thanh để phân chia cho những người khác.

“Khi các xe không đạt tiêu chuẩn về khói, đèn, còi thì nhân viên trung tâm sẽ sử dụng các thủ đoạn để cấp giấy đủ tiêu chuẩn. Ví dụ, nếu xe không đủ điều kiện về khói thì thay bằng các xe đạt chuẩn để đưa vào máy kiểm định”, một cán bộ điều tra cho hay.

Thượng tá Trần Thị Kim Lý, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết, ngoài việc môi giới, nhận hối lộ, TTĐK 50-17D còn móc nối, cấp giấy chứng nhận khoảng 120 phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật cho một trung tâm đào tạo sát hạch lái xe trên địa bàn huyện Nhà Bè.

Thượng tá Lý cho rằng việc đưa các xe không đủ điều kiện này được vào hoạt động dạy lái xe sẽ gây nguy hiểm rất lớn cho hoạt động đào tạo, cũng như là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo học viên và chất lượng học viên được cấp bằng.

Ngoài các hành vi mà công an đã khởi tố, CQĐT sẽ làm rõ thêm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động thanh, kiểm tra của những cơ quan, đơn vị có liên quan.

Cục Đăng kiểm nói gì?

Trước đó, như Pháp luật Việ Nam đã thông tin, Lý giải tại sao Tài không biết chữ nhưng vẫn làm được Giám đốc TTĐK, trả lời báo chí, một cán bộ Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT) cho rằng TTĐK 50-17D do tư nhân đầu tư. Tài là Giám đốc nhưng không phải đăng kiểm viên, không phải người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của TTĐK hay ký giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện.

TTĐK 50-17D hiện có một dây chuyền kiểm định loại II với 6 đăng kiểm viên. Trong đó, bị can Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm là người điều hành và ký giấy chứng nhận kiểm định xe cơ giới.

Nghị định 139/2018/NĐ-CP quy định lãnh đạo TTĐK là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của đơn vị và ký giấy chứng nhận kiểm định. Người này phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng.

Đại diện Cục Đăng kiểm cho rằng TTĐK hoạt động như một DN, sẽ có nhiều lãnh đạo cùng điều hành. Quy định trên được áp dụng với lãnh đạo chịu trách nhiệm chuyên môn, tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định và ký giấy chứng nhận kiểm định xe. Khi soạn thảo quy định về xã hội hóa trung tâm đăng kiểm, Cục đã lường trước các vấn đề này, song việc lựa chọn lãnh đạo trung tâm là do DN đầu tư thực hiện. Do đó, bên cạnh các đơn vị làm tốt vẫn còn có đơn vị lựa chọn lãnh đạo chưa có năng lực.

Tính đến nay, Công an TP HCM đã khám xét 13 TTĐK (5 ở các tỉnh, 13 tại TP HCM). Sai phạm của các trung tâm này bị bại lộ sau khi CSGT TP phát hiện nhiều xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng; mâm không đúng kích thước; lốp mòn; biển số mờ, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải... vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Xác định có dấu hiệu tội phạm, Công an TP HCM vào cuộc điều tra, thu thập chứng cứ hàng loạt TTĐK đã nhận tiền "lót tay" để bỏ qua vi phạm cho khoảng 70.000 ôtô khi đăng kiểm. Giám đốc các trung tâm này được cho đã chỉ đạo cấp dưới bỏ qua các lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công; cho thuê phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...

Hiện, cả nước có 280 TTĐK xe cơ giới, trong đó 196 đơn vị theo hình thức xã hội hóa, 64 thuộc Sở GTVT và 20 thuộc Cục Đăng kiểm.

Đông Hòa

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khoi-to-giam-doc-khong-biet-chu-dieu-hanh-trung-tam-dang-kiem-post463777.html