Khởi tố Giám đốc, Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh
Cơ quan Công an đã bắt tạm giam và quyết định khởi tố đối với Giám đốc và Trưởng ban điều hành Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh về tội nhận hối lộ.
Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc và Trưởng Ban điều hành dự án 4 thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh
Cơ quan Công an đã bắt tạm giam Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thanh Tân (sinh năm 1970, thường trú tại phường 7, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) và Trưởng Ban điều hành dự án 4 Lê Thanh Tùng (sinh năm 1977, thường trú tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội "Nhận hối lộ".
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò làm chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng các công trình, dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng đô thị (cấp, thoát nước đô thị, chống ngập; công viên, cây xanh đô thị; chiếu sáng đô thị) và các dự án khác sử dụng vốn ngân sách, vốn Nhà nước ngoài ngân sách khi được giao. Đồng thời tiếp nhận và quản lý sử dụng vốn để đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
Ban điều hành Dự án 4 trực tiếp quản lý việc đầu tư giai đoạn 2 của Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên với tổng vốn đầu tư lên đến 8.200 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 1/10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã quyết định phân công nhân sự phụ trách lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị.
Theo đó, ông Trần Như Quốc Bảo, Phó Giám đốc Hạ tầng đô thị, được phân công phụ trách lãnh đạo, quản lý và điều hành hoạt động của ban này, bao gồm thực hiện các giao dịch tài chính và nhiệm vụ của Giám đốc là ông Bùi Thanh Tân từ ngày 1/10.
Tội nhận hối lộ theo Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định như sau:
- Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1, Chương XXIII, Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Lợi ích phi vật chất.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Có tổ chức;
+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
+ Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).