Khối trường Công Thương 'bắt trend' ngành học mới
Để đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên, kỳ tuyển sinh năm 2025, khối trường ngành Công Thương đã mở những ngành học mới như vi mạch bán dẫn.
Mở ngành học mới đáp ứng nhu cầu
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã thông báo tuyển sinh năm 2025 với 3 phương thức: Xét tuyển theo kết quả học tập Trung học phổ thông; xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025; tuyển thẳng theo phương án riêng.
Kỳ tuyển sinh năm 2025, nhà trường tuyển sinh 4 khối ngành: Dệt may (công nghiệp dệt may, công nghệ sợi), nghệ thuật (thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa), kinh tế - kinh doanh (marketing, thương mại điện tử, kế toán, quản trị kinh doanh, quản lý công nghiệp), công nghệ, kỹ thuật (kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện, điện tử).

TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, cho hay, để đáp ứng nhu cầu cũng như theo kịp xu hướng phát triển của ngành dệt may, những ngành đào tạo được tích cực cập nhật với công nghệ 4.0, chuyển đổi xanh, thậm chí cả với công nghệ rất hiện đại như trí tuệ nhân tạo.
Đáng nói, trong khối trường ngành Công Thương, không chỉ Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội nhiều trường khác cũng đã “bắt trend” đưa vào đào tạo những ngành học mới. Theo TS. Thân Thanh Sơn - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, năm 2025, nhà trường tuyển sinh 10 chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, trong đó có 5 chương trình đào tạo vừa đạt chứng nhận kiểm định ABET của Hoa Kỳ gồm: Công nghệ cơ khí, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật điện tử, viễn thông và khoa học máy tính; chương trình đào tạo kế toán và 4 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực du lịch - quản trị nhà hàng, khách sạn.
"Nhà trường cũng dự kiến bắt đầu tuyển sinh chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn từ năm 2025", TS. Thân Thanh Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Thân Thanh Sơn, theo Quyết định 1017 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở. Trên cơ sở đó, năm 2025, nhà trường dự kiến mở mới và tuyển sinh chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn.
"Qua các đợt tư vấn tuyển sinh vừa qua tôi nhận thấy ở thời điểm này hầu hết các em học sinh đã dự định danh sách các ngành nghề để chuẩn bị đăng ký xét tuyển, trong đó, số lượng các em quan tâm đến ngành liên quan đến công nghệ cao như: Vi mạch mạch bán dẫn, công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; các chương trình đào tạo lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử... có xu hướng tăng lên", TS. Thân Thanh Sơn nói.
Trường Đại học Điện lực cũng đã rà soát, cải tiến, cập nhật, bổ sung những chương trình đào tạo theo hướng người học có thể tiếp cận kiến thức hiện đại, tích hợp trong bối cảnh cuộc cách mạng về chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như đáp ứng được vai trò thông minh hóa, hiện đại hóa của ngành điện.
Từ năm 2025, số ngành đào tạo của Trường Đại học Điện lực tăng lên 32 ngành, trong đó, có nhiều ngành mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới như: Khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, robot, kỹ thuật máy tính, vật liệu bán dẫn và vi mạch, công nghệ ô tô... Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2025, nhà trường mở lại ngành đào tạo kỹ thuật hạt nhân và tổ chức tuyển sinh.
Cộng sức nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Khối trường Công Thương đào tạo những ngành khá đặc thù nhưng đây lại là lực lượng cung cấp nhân lực chất lượng cao cho khối ngành trụ cột kinh tế của đất nước.
Với vai trò quan trọng như vậy, khối trường ngành Công Thương luôn nỗ lực đổi mới chính mình, chuẩn bị nhân lực và vật lực nhằm đáp ứng tốt nhất cho công tác đào tạo. Đơn cử, Trường Đại học Điện lực, để đáp ứng được 32 ngành đào tạo, nhà trường có chủ trương bổ sung nâng cấp trang thiết bị dạy và học, mở rộng hiện đại hóa, nâng cấp các phòng thí nghiệm, thực hành.

Nhiều trường thuộc khối Công Thương mở ngành đào tạo vi mạch bán dẫn. Ảnh minh họa
Dự kiến, nhà trường sẽ tập trung đầu tư trong 5 năm tới với tổng mức đầu tư để hiện đại hóa các trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ trang thiết bị giảng dạy khoảng 1.000 tỷ đồng.
Dù rất nỗ lực, tuy nhiên như lời chia sẻ của TS. Hoàng Xuân Hiệp, để phục vụ cho những ngành học mới và “hot” cơ sở vật chất trong đào tạo cần đầu tư khá nhiều, đa số về kỹ thuật, công nghệ.
Tuy nhiên, với trường công lập như Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là những trường phi lợi nhuận, chỉ tập trung đào tạo cho nền kinh tế. Do đó, nguồn vốn đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất là khá khó khăn.
Cũng theo TS. Hoàng Xuân Hiệp, nhân lực là một trong những yếu tố cốt lõi thúc đẩy phát triển của đất nước. Trong công tác đào tạo, nhân lực sẽ phải phục vụ được hai đối tượng chính là doanh nghiệp và nền kinh tế.
Để làm sao có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu này, lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cho rằng, cần cái bắt tay chặt chẽ của ba đối tượng: Nhà trường - doanh nghiệp - Chính phủ.
Cụ thể với dệt may, nhà trường - nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc đổi mới chương trình, đổi mới học liệu, nâng cao trình độ giảng viên.
Đối với doanh nghiệp, xác định chiến lược kinh doanh, trong đó có chiến lược nhân lực dài hạn “Những nguồn lực khác như vật tư…có thể mua ngay nhưng riêng nhân lực không thể dùng tiền mua ngay được mà phải chuẩn bị trước từ 2-3 năm”, TS. Hoàng Xuân Hiệp nhấn mạnh. Ông đồng thời cho biết, về nhân lực, nếu doanh nghiệp làm nhưng không bám vào chiến lược kinh doanh dài hạn thì sẽ không “show” đầy đủ nhu cầu để các cơ sở đào tạo đáp ứng.
Về phía Chính phủ, có những chính sách ưu tiên đào tạo nhân lực cho ngành hàng xuất khẩu chủ lực, thậm chí là đặt hàng cho các cơ sở giáo dục. “Đồng thời, có chính sách đầu tư cơ sở vật chất, như: Phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành thực tập, công nghệ mới…, một mình nhà trường không đủ sức đầu tư”, TS. Hoàng Xuân Hiệp đề xuất.
Khối trường ngành Công Thương không chỉ đưa module mới vào những ngành đào tạo đã có mà còn mở ngành học mới và khó như vi mạch bán dẫn… nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khoi-truong-cong-thuong-bat-trend-nganh-hoc-moi-380407.html