Khốn khổ hầm chui cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ 'cứ mưa là lụt'
Trên tuyến đường gom đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ tại các vị trí giao cắt với các hầm chui, bộc lộ một số hư hỏng, xuống cấp và luôn bị ngập úng khi có mưa.
Hầm chui – điểm “nghẽn” của cao tốc
Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, cơn mưa lớn ngày 21/9 khiến dọc tuyến đường gom cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đoạn qua địa phận TP Hà Nội bị ngập úng, đặc biệt là nhiều điểm giao cắt hầm chui cao tốc bị ngập sâu khiến các phương tiện giao thông bị chết máy, hư hỏng, người dân qua lại khó khăn.
Khảo sát tại hầm chui cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, lý trình Km205+600 thuộc địa phận huyện Phú Xuyên (Hà Nội) ngày 21/9 cho thấy, hầm chui này luôn rơi vào tình trạng ngập úng kéo dài khi mưa lớn. Bề mặt hầm chui đã xuống cấp, có nhiều ổ gà, hố sâu và hệ thống thoát nước không có tác dụng.
Ông Nguyễn Văn Đức, người dân sinh sống gần hầm chui cho biết, hầm không có điện chiếu sáng, thường xuyên ngập nước, nhiều người đã bị bệnh ngoài da ở chân do thường xuyên phải đi lại qua chỗ nước bẩn, tồn đọng lâu ngày. Nhiều trường hợp người điều khiển xe máy, xe đạp bị ngã khi qua hầm chui ngập lụt, tối tăm này.
Mới đây, UBND huyện Thanh Trì cũng đã có đề nghị Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ bổ sung giải pháp tổ chức giao thông tại các điểm giao cắt hầm chui với đường gom Pháp Vân – Cầu Giẽ đoạn thuộc địa bàn huyện.
Theo đó, qua phản ánh của nhân dân và kiểm tra trực tiếp tại hiện trường trên tuyến đường gom đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ tại các vị trí giao cắt với các hầm chui, bộc lộ một số hư hỏng. Cụ thể: Tại vị trí nút giao hầm chui Đồng Trì (xã Tứ Hiệp) khi mưa thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng, xuất hiện nhiều hố, ổ gà; thời tiết nắng thì bụi bẩn, không bảo đảm trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông trên tuyến đường này.
Đồng thời, hiện trên toàn tuyến đường gom cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ qua địa bàn huyện, tại các vị trí nút giao cắt chưa được lắp đặt hệ thống chiếu sáng đồng bộ làm ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; việc kết nối hạ tầng chưa bảo đảm nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Để giải quyết vấn đề trên, UBND huyện Thanh Trì đề nghị Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (chủ đầu tư dự án) thực hiện việc khảo sát, cải tạo, sửa chữa kịp thời các điểm ngập nước, ổ gà, sơn gờ giảm tốc, làm bổ sung đường vuốt nối bảo đảm góc cua, tầm nhìn và lắp đặt đèn chiếu sáng, hệ thống gương cầu tại các vị trí giao cắt giữa cống chui với đường gom trên địa bàn các xã Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp và Liên Ninh; bổ sung một số tấm đan rãnh và hạ cao độ một số hố ga bằng cốt mặt đường tại một số nút giao hầm chui; nghiên cứu thay thế kết cấu mặt đường bê tông nhựa bằng kết cấu bê tông xi măng tại các vị trí giao với hầm chui vì đường thường xuyên đọng nước khi trời mưa lớn gây bong tróc, ổ gà; bổ sung hệ thống rãnh gom bảo đảm thoát nước (cao độ mặt đường hiện tại thấp hơn rãnh thu nước ven đường), đặc biệt tại đoạn nút giao hầm chui Đồng Trì; cắm biển hạn chế tải trọng hai bên tuyến đường gom.
Bộ GTVT thiếu sát sao?
Tìm hiểu của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, tình trạng các hầm chui cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ bị xuống cấp, hư hỏng, kém chất lượng và luôn trong tình trạng ngập úng mỗi khi mưa lớn đã xuất hiện từ năm 2019 gây bức xúc cho cử tri TP Hà Nội.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, cử tri TP Hà Nội đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm nâng cấp, cải tạo các gầm cầu chui cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vì mỗi khi trời mưa là lại ngập gây nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông, đặc biệt là các cháu học sinh.
Trả lời kiến nghị này, Bộ GTVT cho biết, tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được xây dựng mới và hoàn thành năm 2002 với quy mô 4 làn xe, trên tuyến có 54 vị trí hầm chui dân sinh và 2 vị trí cầu vượt. Hiện tuyến đường đã được cải tạo, nâng cấp từ 4 làn xe lên 6 làn xe, các hầm chui dân sinh được thiết kế nối dài theo quy mô mặt cắt ngang đường.
Theo khảo sát của Nhà đầu tư, trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ có 20/54 hầm chui dân sinh thấp hơn so với đường gom hai bên, trong đó có 9 hầm chui và vị trí dưới gầm cầu Vạn Điểm bị ngập nước khi trời mưa. Nguyên nhân do địa hình hai bên đã thay đổi (tôn cao) so với thời điểm xây dựng công trình.
Đối với vị trí dưới cầu Vạn Điểm, Nhà đầu tư đã tiến hành nạo vét, sửa chữa hệ thống thoát nước cũ (bị lắng đọng bùn, đất, một số cống ngầm bị hư hỏng ...), đã thảm lại mặt đường để đảm bảo êm thuận và xử lý triệt để tình trạng ngập nước dưới gầm cầu.
Đối với các vị trí hầm chui bị ngập nước, đơn vị Tư vấn thiết kế (TEDI) đã hoàn thành việc thiết kế bổ sung hệ thống thoát nước, các hầm chui bị ngập nước sẽ được thiết kế bố sung hệ thống rãnh, hố ga để thu dẫn nước ra các vị trí kênh, mương lân cận. Dự kiến trong tháng 7/2019 sẽ hoàn thành việc xử lý các hầm chui dân sinh bị ngập nước.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc Nhà đầu tư hoàn thành xử lý, khắc phục tình trạng ngập nước tại các hầm, cầu chui cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện.
Tuy nhiên, đến nay nhiều hầm chui cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vẫn trong tình trạng ngập úng mỗi khi có mưa lớn và xuống cấp khiến cử tri bức xúc và đặt dấu hỏi về công tác chỉ đạo, quản lý của Bộ GTVT, cũng như trách nhiệm của Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ và đơn vị tư vấn?
Mời độc giả xem thêm video Hà Nội mưa lớn và ngập úng diện rộng: