Khốn khổ vì dự án cống hóa, người dân Mỹ Đình tìm cách tự bảo vệ mình

Nhiều tháng nay, cuộc sống của người dân tại làng Nhân Mỹ trong tình trạng khốn khổ bởi công trình dự án cống hóa dở dang, gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm cho việc đi lại.

Phán ánh tới PV Báo Gia đình & Xã hội, bà Tuệ (62 tuổi, sinh sống tại làng Nhân Mỹ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ khoảng gần cuối tháng 4, con đường đi ngang qua đầu hè nhà bà Tuệ (ngách 76 thuộc ngõ 322 Mỹ Đình) bắt đầu được xới lên để làm đường mới.

Thế nhưng, khi đoạn cống chạy dọc theo ngách 76 được cải tạo thì cuộc sống của bà Tuệ và những gia đình khác sinh sống tại đây cũng bắt đầu khốn khổ bởi bụi bặm, nước ngập, thậm chí là sự cố tai nạn từ chính những miệng cống đang được làm dở.

Bà Tuệ cho biết: "Đợt nắng gắt vừa rồi, chúng tôi phải sống trong cảnh bụi bặm cả ngày lẫn đêm, nhất là vào giờ cao điểm, xe người dân đi lại nhiều thì bụi càng nhiều. Nhà tôi có trẻ con nên nhà lúc nào cũng phải đóng cửa, đóng cổng kín mít".

"Vừa rồi có cơn mưa, ai cũng mong ngóng vừa được "giải nhiệt" vừa có thể nén bụi xuống mặt đường, nhưng nào ngờ, nước mưa kèm nước thải ở dưới cống lại lênh láng vào cả hành lang nhà tôi, kèm theo mùi hôi thối rất khó chịu", bà Tuệ cho hay.

Cống thoát nước không được cắm biển cảnh báo tại khu dân cư, ngõ 322/76 Mỹ Đình.

Cống thoát nước không được cắm biển cảnh báo tại khu dân cư, ngõ 322/76 Mỹ Đình.

Cận cảnh chiếc cống thiếu sự an toàn trước cửa cửa hàng tạp hóa của chị Ngoan.

Cận cảnh chiếc cống thiếu sự an toàn trước cửa cửa hàng tạp hóa của chị Ngoan.

Chị Lê Thị Hằng (34 tuổi) cho biết: "Những ngày đầu tháng 5, trên bảng tổ dân phố có dán thông báo về việc cải tạo lại đoạn cống chạy qua khu vực dân cư. Tôi đọc thấy thời gian thực hiện là khoảng 10 ngày là xong, từ ngày 01 – 10/5. Nhưng trên thực tế, đoạn qua đầu nhà tôi đã làm từ trước đó nhiều ngày. Công trường đang làm dở dang thì lại không thấy làm tiếp nữa, công trình để dang dở như thế này rất ảnh hưởng đến cuộc sống và việc đi lại của chúng tôi".

Cửa hàng tạp hóa của chị Ngoan nằm giữa con ngõ 322/76 Mỹ Đình nhưng nhiều tháng nay, chị Ngoan đã chứng kiến rất nhiều sự cố tai nạn từ chính miệng cống đang thi công dở ngay trước cửa cửa hàng.

Một miệng cống thoát nước nằm trong ngõ 322/76 Mỹ Đình được người dân dùng gỗ đậy lại để đảm bảo an toàn cho người dân.

Một miệng cống thoát nước nằm trong ngõ 322/76 Mỹ Đình được người dân dùng gỗ đậy lại để đảm bảo an toàn cho người dân.

Những miệng cống chưa hoàn thiện được lấp sơ xài không một cảnh báo của nhà thầu thi công tại ngõ 322/22.

Những miệng cống chưa hoàn thiện được lấp sơ xài không một cảnh báo của nhà thầu thi công tại ngõ 322/22.

Chị Ngoan cho biết: "Cống này được làm khoảng gần 2 tháng nay nhưng không có bất cứ vật gì đậy ở trên hay biển cảnh báo nguy hiểm. Cống nằm ngay ngã 3 ngách dân cư nên tôi chứng kiến rất nhiều người bị tụt chân xuống đấy. Vì vậy, chúng tôi đã nhặt những cây gỗ bỏ đi đặt xuống cống và treo vải lên trên để cảnh báo người đi đường".

Hình ảnh "mưa thì lụt, nắng thì bụi" ngay tại ngõ 322/76 Mỹ Đình.

Hình ảnh "mưa thì lụt, nắng thì bụi" ngay tại ngõ 322/76 Mỹ Đình.

Cũng theo chị Ngoan, ngoài công việc bán hàng cho khách thì từ khi con đường ngang qua cửa hàng bị xới tung, hàng ngày, chị Ngoan phải kiêm thêm công việc lau chùi từng sản phẩm hàng hóa trên kệ.

Ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, dọc tuyến 322/76 Mỹ Đình chỉ có duy nhất một biển cảnh báo công trường đang thi công nhưng biển này cũng nằm lăn lóc một góc đường.

Ngoài ra, có không ít những điểm thoát nước thiếu an toàn, tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân lưu thông. Để đảm bảo an toàn cho việc đi lại, người dân trong khu vực đã sử dụng những đoạn gỗ dày để che lên miệng cống.

Cả công trường không có bất kỳ một cảnh báo, chỉ dẫn nào, chỉ có duy nhất 1 tấm biển báo nằm lăn lóc ở góc đường.

Cả công trường không có bất kỳ một cảnh báo, chỉ dẫn nào, chỉ có duy nhất 1 tấm biển báo nằm lăn lóc ở góc đường.

Không chỉ riêng tuyến ngách 322/76 Mỹ Đình mà tại các ngách khác thuộc ngõ này, như ngách 322/22, 322/90, 322/3 Mỹ Đình, tình trạng thiếu an toàn trong công trình cũng diễn ra tương tự. Mặc dù việc thi công tại các ngách thuộc ngõ 322 Mỹ Đình đã và đang được thực hiện trong thời gian khá dài nhưng chị Ngoan cùng những người dân sinh sống trong khu vực vẫn không biết đây là dự án gì. Bởi từ đầu ngõ đến cuối ngõ, người dân không hề nhìn thấy bất kỳ biển, bảng nào ghi thông tin về công trình.

Cận cảnh dự án cải tạo đường dân sinh trong ngõ 322 Mỹ Đình khiến người dân bức xúc. (Hình ảnh người dân cung cấp).

Cận cảnh dự án cải tạo đường dân sinh trong ngõ 322 Mỹ Đình khiến người dân bức xúc. (Hình ảnh người dân cung cấp).

Việc đi lại của người dân sinh sống tại ngõ 322 Mỹ Đình rất khó khăn. (Hình ảnh người dân cung cấp).

Việc đi lại của người dân sinh sống tại ngõ 322 Mỹ Đình rất khó khăn. (Hình ảnh người dân cung cấp).

Thậm chí, mỗi khi muốn góp ý, người dân cũng không biết gõ cửa nơi nào. Bởi họ đã phản ánh đến UBND phường Mỹ Đình 1 nhưng đến nay mọi sự vẫn nguyên vẹn. Ra công trường thì không có chỉ huy giám sát, còn công nhân lao động cũng không thể giải quyết.

Theo các hộ dân tại đây, chủ trương cải tạo, làm mới lối lưu thông trong khu dân cư thì tốt nhưng trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã để nước thải dềnh lên khắp ngõ, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống và sự an toàn của người dân.

Vì vậy, thông qua những phản ánh đến Báo Gia đình & Xã hội, người dân sinh sống tại khu vực ngõ 322 đường Mỹ Đình rất muốn biết, khi nào thì dự án sẽ hoàn thành để trả lại cho người dân con ngõ xanh, sạch vốn có từ trước đó.

Liên quan đến tình trạng trên, trao đổi với PV, ông Khuất Văn Doanh - cán bộ địa chính UBND phường Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm) cho biết, khu vực người dân phản ánh là thuộc dự án cải tạo đường, rãnh thoát nước các tổ dân phố trên địa bàn phường Mỹ Đình 1 (giai đoạn 2) bắt đầu đi vào thi công từ thời điểm giữa tháng 4/2020.

Theo ông Doanh, dự án này do liên danh Công ty CP Đầu tư bất động sản Hà Nội và Công ty CP Xây lắp đầu tư xây dựng Việt Nam thực hiện trong vòng 165 ngày.

"Nói thật là làm ăn kinh doanh, công ty họ cũng có đội nhân công riêng nhưng với sức ép của tiến độ thì họ vẫn phải làm dàn trải ra. Với những con ngõ mà Báo Gia đình & Xã hội phản ánh có thể đào lên và chưa thể khắc phục bằng cách đổ bê tông vào ngay thì họ tập trung làm những ngõ khác cấp thiết hơn", ông Doanh cho hay.

Cũng theo ông Doanh: "Việc thi công ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân thì ở đâu cũng có. Với chức năng, nhiệm vụ của phường thì chúng tôi đã thành lập tổ giám sát để kiểm tra sát sao việc thi công nhưng trong quá trình triển khai, có những chỗ họ không thể đáp ứng hết được những nhu cầu của người dân, nhất là khu vực ngõ nhỏ".

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/khon-kho-vi-du-an-cong-hoa-nguoi-dan-my-dinh-tim-cach-tu-bao-ve-minh-20200702150739753.htm