Khốn khổ vì hộ khẩu một nơi, nhà một nẻo
Sau khi địa giới được phân chia lại, người dân khu Nam Hải rơi vào cảnh bất tiện khi hộ khẩu vẫn ở Hải Dương, còn đất đai lại thuộc Quảng Ninh.
Ở nhà mình như ở nhờ
Anh Tạ Văn Huê, hiện đang sống trong căn nhà cạnh con đường bê tông nhỏ khu Nam Hải (hiện thuộc địa giới xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), phía trước sát sông Kinh Thầy - con sông chia đôi địa giới hành chính của Quảng Ninh và Hải Dương cho biết, gia đình anh ở khu vực này đã được vài đời.
“Theo các cụ kể lại, khoảng những năm 40 thế kỷ trước, thấy bãi bồi và sườn đồi ở khu vực này màu mỡ, một số người dân ở tỉnh Hải Dương đã lên bạt đất, làm nhà và canh tác nông nghiệp, lập lên làng chài”, anh kể.
Đến khoảng những năm 60 thế kỷ trước, khi dân cư tại đây đông đúc dần, nhiều người đã tiếp tục khai hoang, xâm cư một phần đất của xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều. Năm 1961, huyện Đông Triều được nhập vào tỉnh Quảng Ninh như ngày nay.
Năm 1996, địa giới hành chính hai tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh được xác lập với ranh giới là sông Kinh Thầy. Đất Nam Hải chính thức thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Vậy là, mặc dù đất đai thuộc địa giới Quảng Ninh nhưng người dân Nam Hải, xã Kênh Giang (nay đã sáp nhập với xã Văn Đức hình thành lên phường Văn Đức, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) vẫn có hộ khẩu thuộc phường Văn Đức.
Nói cách khác, nhà đất thì thuộc quản lý của chính quyền tỉnh Quảng Ninh, hộ khẩu và các giấy tờ lại thuộc Hải Dương. Chính điều này khiến người dân khu Nam Hải gặp nhiều bất tiện, từ việc học hành của con trẻ đến làm các thủ tục nhà đất, các giấy tờ xác nhận cư trú…
Ông Nguyễn Đình Nga (75 tuổi) và vợ Hoàng Thị Nghĩa (74 tuổi), là một trong ba hộ nghèo ở Nam Hải. Trong căn phòng rộng chừng hơn chục mét vuông, xập xệ, ông Nga cho biết: “Trước gia đình thuộc diện được chính quyền hỗ trợ 70 triệu đồng để xây nhà. Thế nhưng lại không thực hiện được vì muốn làm nhà thì phải có đất. Đất ở đây thuộc địa giới của Quảng Ninh quản lý, nên xã Kênh Giang (nay là phường Văn Đức) không làm thủ tục cấp quyền sử dụng đất, để từ đó nhận hỗ trợ xây nhà được”.
Những hôm bão lớn, gió lùa vào mái nhà, nước táp vào tứ bề, hai vợ chồng già không dám ngủ vì sợ căn nhà sập xuống… Lo lắng là vậy, nhưng ông bà cũng chẳng biết làm sao.
Do nhà ở một nơi, hộ khẩu một nẻo, trẻ em ở khu Nam Hải thay vì được học ở những điểm trường gần nhà, phải đi xa hơn 6km. Với điểm dân cư Trại Chẹm, thôn Trạm Lộ, khu Nam Hải, các cháu còn phải đi đò tới trường.
Ông Đào Xuân Toáng, nhà ở cạnh trụ sở xã Kênh Giang cũ cho biết, do không có sổ đỏ nên các hộ ở đây đều làm nhà trái phép, bởi khi xin xác nhận bất cứ nội dung gì, người dân đều gặp khó khăn: “Phía Quảng Ninh nói hộ khẩu chúng tôi không ở đây, còn phía Hải Dương lại bảo chúng tôi đâu có sinh sống trên địa bàn của họ để mà xác nhận”.
Giải quyết dứt điểm
Một lãnh đạo UBND xã Nguyễn Huệ cho biết, theo bản đồ được tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương ký năm 1993 thì mốc giới hành chính đã được thể hiện rõ ràng, cụ thể.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, công tác quản lý của cấp xã, cấp huyện của hai bên đã để xảy ra tình trạng người dân từ bên này xâm canh, xâm cư vào bên kia khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân các điểm xâm canh, xâm cư cũng lâm vào cảnh éo le, phức tạp.
Cụ thể, điểm dân cư Trại Chẹm, thôn Trạm Lộ, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn đã xâm canh, xâm cư sang xã Nguyễn Huệ và xã Anh Sinh, thị xã Đông Triều, tổng cộng đến nay có 55 hộ dân/162 nhân khẩu trên diện tích 40ha. Khu Nam Hải, xã Văn Đức, TP Chí Linh xâm canh, xâm cư sang xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều đến nay gồm 189 hộ dân/507 nhân khẩu với diện tích 36,03ha.
Ngược lại, khu vực thôn Sơn Lộc, xã Anh Sinh, thị xã Đông Triều lại xâm canh, xâm cư sang phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh gồm 94 hộ dân/344 nhân khẩu với diện tích là 112,15ha…
“Gần nhất, tại buổi làm việc ngày 9/8/2023, lãnh đạo hai tỉnh đã thống nhất: Khu Nam Hải sẽ trực thuộc xã Nguyễn Huệ, thị xã Đông Triều; xóm Trại Chẹm, thôn Trạm Lộ của thị xã Kinh Môn sẽ sáp nhập vào xã Nguyễn Huệ và xã Thủy An, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh. Ngược lại, một phần thôn Sơn Lộc, xã An Sinh, thị xã Đông Triều sẽ được chuyển về phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh. Tổng số dân sẽ thay đổi địa giới hành chính là 1.013 nhân khẩu”, vị này cho hay.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu Nam Hải cho biết, sau khi hai tỉnh thống nhất, bà con mong muốn cơ quan chức năng thị xã Đông Triều nhanh chóng cấp lại sổ hộ khẩu, sổ đỏ, giải quyết các thủ tục hành chính dứt điểm để bà con yên tâm làm ăn, sinh sống.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khon-kho-vi-ho-khau-mot-noi-nha-mot-neo-d601327.html