Không ai đứng trên, ngoài pháp luật!

BPO - Sau những ồn ào, xúc phạm đời tư một số cá nhân và tạo tâm ý bất ổn cho xã hội bằng những livestream trong một thời gian dài, ngày 24-3 vừa qua, Công an TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện lệnh bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam do hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Việc bắt giữ công dân vi phạm để bảo vệ sự nghiêm minh của luật pháp, giữ ổn định chính trị - xã hội là việc làm bình thường của bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Thế nhưng, ngay sau khi Công an TP. Hồ Chí Minh thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị đã xuyên tạc bản chất vụ việc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước.

Ngày 24-3, trang RFA đăng bài bình luận của tay bồi bút phương Tây có bút danh Gió Bấc với nhan đề: “Nguyễn Phương Hằng bị bắt có phải là kết quả cuộc hỗn chiến giữa Cuồn Cuộn và Năm Mực?”. Bài viết sử dụng ngôn ngữ trào lộng, bông lơn chọc cười, nhưng vẫn thể hiện rất rõ chủ ý của những kẻ chuyên lấy việc xuyên tạc, kích động làm kế sinh nhai. Đó là xây dựng hình ảnh bà Hằng như một “anh hùng thời loạn”, “ngay thẳng nhưng dại dột”. Trong bài viết, tác giả dùng các tít phụ để thu hút sự tò mò của người đọc như: Rận chí kiện nhau, Pháp luật là nồi cám lợn! Người này còn sử dụng nhiều thành ngữ như “chó cắn chủ tất phải bị đập đầu” để lý giải việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt là do dám réo tên một lãnh đạo của TP. Hồ Chí Minh với những lời lẽ quy kết gay gắt. Trước đó, cũng trang mạng này đăng bài “Cựu Hồng Vệ Binh Phương Hằng: Đảng sẽ cho em sáng mắt sáng lòng” và cũng với góc nhìn méo mó, “bới lông tìm vết”.

Cùng giọng điệu xuyên tạc, ngày 26-3, trang BBC tiếng Việt đăng bài: “Báo ngành công an VN phê phán nặng lời bà Nguyễn Phương Hằng”. Để tỏ ra có cái nhìn toàn cục về vụ việc, bài viết trích đăng ý kiến của luật sư Nguyễn Doãn Hùng, so sánh sức hút của các livestream bà Hằng lên sóng với chương trình thời sự của đài quốc gia. Bài viết còn sử dụng các tít phụ như: Điều 331 là gì? Một số vụ án liên quan đến điều 331. Mà những kẻ bị bắt do vi phạm điều 331 thì ai cũng rõ là do lợi dụng các quyền tự do ngôn luận; tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội; và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đó là Trương Châu Hữu Danh, Trần Hoàng Minh, Nguyễn Phước Bảo Trung, Nguyễn Thanh Nhã… Hơn nữa, ai mà không biết bất cứ bài viết nào trên trang BBC tiếng Việt đều là những sản phẩm méo mó, xuyên tạc về hiện thực ở Việt Nam.

Một số tổ chức, hội, nhóm phản động như Việt Tân, Hội Anh em dân chủ; các hãng truyền thông hải ngoại vốn thiếu thiện chí với Việt Nam như RFI, VOA cùng các trang mạng như: Nhật ký yêu nước, Chân trời mới, Dân làm báo, Quan làm báo… cũng đưa ra nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, sai trái. Trang facebook của Việt Tân vu cáo: “Công an sử dụng Điều 331 để khởi tố bà Hằng là sai trái”, rồi suy diễn thành việc “doanh nhân đối đầu với thế lực chính trị như việc trứng chọi đá”. Bài viết đưa ra luận điệu lố bịch rằng ở Việt Nam, luật pháp không tồn tại, quyền tự do dân chủ bị bóp nghẹt... Trang Việt Tân còn diễn trò “khảo sát quan điểm độc giả về việc Công an TP. Hồ Chí Minh bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng” và cho rằng việc khởi tố bà Hằng là “áp đặt một cách tùy tiện”! Còn RFA thì phỏng vấn một số cá nhân mang danh “nhà dân chủ”, “nhà phản biện”, “luật sư nhân quyền”… Thực tế, đây chỉ là những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị, phản bội Tổ quốc, sống lưu vong ở nước ngoài. Thế nên những ngôn từ qua miệng lưỡi của họ đều tán dương các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, gây tổn hại đến truyền thống văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; miệt thị Nhà nước, chính quyền, chửi rủa chế độ nhằm làm xấu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Trở lại việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt tạm giam, không thể phủ nhận trong số nguồn tin của bà, có những nguồn tin có giá trị. Cũng không thể phủ nhận bà trở nên nổi tiếng khi thu hút được sự quan tâm đặc biệt của công chúng trong một thời gian dài - điều mà bất cứ kênh truyền thông nào cũng mong muốn. Pháp luật Việt Nam không cấm cản Nguyễn Phương Hằng livestream, không cấm bà nổi tiếng, cũng không cấm bà thu hút dư luận bằng những nguồn tin chỉ bà biết cũng như cách trình bày khá đặc biệt trước công chúng. Tuy nhiên, quyền tự do ngôn luận của bà phải trong khuôn khổ pháp luật. Đó chính là giới hạn của quyền tự do dân chủ của công dân. Giới hạn đó đảm bảo cho mọi công dân được tôn trọng, được bình yên, được sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; đảm bảo một xã hội trật tự, kỷ cương, bền vững và ổn định. Chính bà Nguyễn Phương Hằng đã rất nhiều lần dùng câu nói “không ai có quyền ngồi trên pháp luật”. Vậy mà trong khi cơ quan chức năng chưa có ý kiến gì về những điều bà tố cáo thì chính bà lại cho mình cái quyền thay pháp luật, lên mạng phán quyết người này là lừa đảo, người kia là xấu xa, khốn nạn, đại bịp… Không chỉ xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật riêng tư, thông tin không kiểm chứng, sai sự thật đối với công dân mà bà Hằng còn xúc phạm cả cơ quan nhà nước khi nói rằng UBND tỉnh Bình Thuận bao che cho hoạt động chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên. Dù bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi thông tin sai sự thật, bà ta vẫn không hề ý thức được hành vi của mình và tiếp tục vi phạm, thách thức pháp luật.

Cho dù từng có những việc làm đáng trân trọng đối với xã hội trong hoạt động từ thiện nhưng những hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng đã vượt qua lằn ranh giữa quan hệ pháp luật dân sự và hình sự, gây nguy hiểm cho xã hội nên phải chịu chế tài hình sự. Bởi thế, việc khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Hằng để xét xử là việc đương nhiên chứ không có gì bất thường như các trang truyền thông chống cộng đang ra sức xuyên tạc, bóp méo.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/132238/khong-ai-dung-tren-ngoai-phap-luat