Không bao giờ nhân nhượng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh trước Quốc hội và đồng bào tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sáng nay 21-10.
Tình hình Biển Đông rất phức tạp
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đã báo cáo Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước những nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2019 và Kế hoạch năm 2020.
Theo Thủ tướng, từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi. Kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm lại; cạnh tranh chiến lược và căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn gia tăng; giá vàng tăng cao, giá dầu thô biến động mạnh; rủi ro trên thị trường quốc tế tăng lên; nhiều quốc gia nới lỏng chính sách tài chính, tiền tệ... Trong khi đó, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế và thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.
Thủ tướng nêu rõ, tình hình biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao. “Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
“Chúng ta kiên định mục tiêu đề ra, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời phân tích, đánh giá, dự báo những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế và từng ngành, lĩnh vực để có những đối sách phù hợp, kịp thời”, Thủ tướng cho biết.
Năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt 12 chỉ tiêu
Thủ tướng khẳng định, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, dự kiến chúng ta sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KTXH năm 2019, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng.
Đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét. Thế và lực của ta không ngừng được củng cố; uy tín quốc tế được nâng lên. Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay - như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phát biểu, góp phần quan trọng tạo sự phấn khởi, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Nước ta được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm2019, tăng 15 bậc so với năm 2018.
Về các kết quả cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tốc độ tăng GDP cả năm 2019 ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định vững chắc. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt 3,3% dự toán; tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP).
Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh. Công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính được đẩy mạnh; phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn kịp thời các hoạt động, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Quyết liệt đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm; triệt phá nhiều vụ án ma túy, đánh bạc lớn. Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí...
“Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, khu vực, kết quả nổi bật trong phát triển KTXH của chúng ta là điểm sáng, tạo tiền đề vững chắc bước vào năm 2020 - năm cuối của nhiệm kỳ, phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội”, Thủ tướng đánh giá.
Xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra những hạn chế, yếu kém và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những yếu tố ngắn hạn và cũng có những vấn đề trung và dài hạn cần tập trung xử lý hiệu quả trong thời gian tới.
Chẳng hạn, một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu tinh thần quyết tâm, chưa đổi mới, dám nghĩ, dám làm, chưa thực sự quyết liệt hành động. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
“Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi còn buông lỏng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế. Xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trì trệ trong giải quyết công việc sau quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở không ít cơ quan, đơn vị”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong thời gian còn lại của năm 2019, các cấp, các ngành không được chủ quan, cần có những biện pháp cụ thể, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế, yếu kém; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra...
Một số chỉ tiêu mà báo cáo đề ra trong năm 2020:
Về kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.
Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%.
Về môi trường: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.