Không bao giờ quên Hoàng Sa!
Những ngày này của tháng 1, trong lòng mỗi người Việt lại cuộn sóng hướng về Hoàng Sa, quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc vẫn đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép mấy mươi năm qua.
Những ngày này, cán bộ, nhân viên Nhà Trưng bày Hoàng Sa đang tất bật chuẩn bị cho chuyến đi thăm hỏi, tặng quà tri ân các nhân chứng Hoàng Sa còn sống và thắp nhang tưởng nhớ nhân chứng đã mất nhân ngày 19-1.
“Từ giờ đến Tết Nguyên đán, việc của Nhà Trưng bày cũng nhiều. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị luôn được anh, chị em chuẩn bị làm sao cho chu toàn nhất”- thuyết minh viên Trần Thị Lê Na cho hay.
Chị Na là một trong những người trẻ tâm huyết của Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Chị bảo cứ đến ngày này, trong chị lại cháy lên những cảm xúc thật đặc biệt. “Năm nay đã là 47 năm Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa của Việt Nam. Biết bao thế hệ cha ông đã không quản mồ hôi, xương máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thế hệ ngày nay phải luôn khắc sâu để không bao giờ được quên trách nhiệm của mình đối với vấn đề chủ quyền đất nước” – chị Na nói.
Theo chị Lê Na, điều đáng mừng là từ khi Nhà Trưng bày Hoàng Sa đi vào hoạt động, công tác truyên truyền, nâng cao nhận thức về vấn đề biển đảo đã được thực hiện hiệu quả hơn trước đây. Khi thuyết minh, chị cũng luôn cố gắng truyền tải những kiến thức cơ bản nhất về Hoàng Sa thông qua những câu chuyện giản dị, mộc mạc để người nghe dễ nắm bắt, nhất là với những người trẻ.
Gắn bó với nhiệm vụ truyền lửa Hoàng Sa nhiều năm nay, chị Na mong muốn ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến Nhà Trưng bày. Từ đó những câu chuyện về quần đảo sẽ được lan tỏa nhiều hơn đến với người dân, dấy lên niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm của mỗi người về vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước.
“Càng tìm hiểu, mình càng thêm yêu vì biển đảo quá đỗi thiêng liêng. Ở vị trí của mình, tụi mình luôn tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa để thổi bùng tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của mỗi người dân khi họ đến với nhà trưng bày”- chị chia sẻ.
Ông Lê Tiến Công, Phó giám đốc phụ trách Nhà Trưng bày Hoàng Sa, cho biết theo thông lệ, cứ đến ngày 19-1, UBND huyện Hoàng Sa và Nhà Trưng bày Hoàng Sa sẽ đi thăm hỏi các nhân chứng Hoàng Sa còn sống và thắp hương tưởng nhớ những người đã mất.
“Mỗi lần đến và được nghe các cụ kể lại về quãng thời gian sống và làm nhiệm vụ trên đảo thì mình rất xúc động. Nhiều cụ sức khỏe bắt đầu yếu, tai bắt đầu lãng nhưng mong lắm, thấy đoàn tới là kêu con cháu đi lấy tài liệu về Hoàng Sa cho mọi người xem. Đây cũng là hoạt động để tri ân đối với thế hệ trước đã giữ gìn, bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc” – ông nói.
Ông Lê Tiến Công cho hay: Tài liệu về quần đảo Hoàng Sa chỉ cần một mẩu thôi cũng rất quý. Điều đáng mừng là trong thời gian qua Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã nhận được nhiều tài liệu quý từ đồng bào trong và ngoài nước. Sau khi tiếp nhận tư liệu, hình ảnh do nhân dân gửi tặng, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn thẩm định, đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa ra trưng bày để đảm bảo tính khoa học, chính xác của tư liệu.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/khong-bao-gio-quen-hoang-sa-962401.html