Không bị chấm dứt hợp đồng ít nhất đến khi con đủ 12 tháng tuổi?

Thảo luận về Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, theo quy định của Dự thảo Bộ luật, lao động nữ làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn trong khi đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi mà hết hạn HĐLĐ thì đương nhiên HĐLĐ sẽ chấm dứt.

Trong khi đó, lao động nữ rất khó tìm việc làm mới do đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm cuộc sống, nuôi dưỡng thai nhi cũng như chăm sóc con dưới 12 tháng tuổi.

“Do vậy, đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định đối với những trường hợp này được gia hạn HĐLĐ đã giao kết đến khi con đủ 12 tháng tuổi”, đại biểu nói.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: HL

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: HL

Quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động cần nhìn nhận từ khía cạnh việc làm bền vững trong mối quan hệ hài hòa với quyền lợi của người sử dụng lao động là quan điểm của đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam).

Cụ thể, đối với người lao động, khi tạo cơ chế dễ dàng chấm dứt HĐLĐ không cần lý do thì trong điều kiện việc làm thâm dụng lao động còn phổ biến hiện nay không thể khắc phục tình trạng chỉ vì chênh lệch tiền lương vài trăm nghìn đồng một tháng hoặc được tăng ca, làm ca, thêm giờ nhiều hơn cũng dễ khiến một bộ phận người lao động phổ thông trẻ tuổi nhảy việc, dễ dàng chốt sổ để hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần. Hậu quả kép đối với người lao động là không có việc làm ổn định, bền vững, không có điều kiện phát triển bản thân để nâng cao năng suất lao động, không có tích lũy cho an sinh xã hội lâu dài.

Còn với người sử dụng lao động, biến động nhân sự do tình trạng nhảy việc của người lao động trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của DN, nhất là khi đó người lao động có chuyên môn kỹ thuật quản lý cao cấp.

Thực tiễn, những ngành nghề đang trở thành điểm nóng săn đầu người như: hàng không, tài chính, ngân hàng. Trong trường hợp này người sử dụng lao động dễ bị rơi vào thế yếu. Trước nguy cơ người lao động chuyển sang làm việc cho đối thủ cạnh tranh, chắc chắn DN sẽ tổn thất không nhỏ, thậm chí có thể dẫn đến phá sản nếu những nhân sự là người nắm bí mật, bí quyết công nghệ bị lôi kéo đi làm việc cho DN khác trong cùng lĩnh vực.

“Tôi cho rằng, đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực lao động cần được bổ sung và phải được quy định rõ ngay trong bộ luật để đảm bảo tương thích với Luật Cạnh tranh. Theo đó, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác phải được quy định ngay trong các luật chuyên ngành chứ không thể giao để quy định trong văn bản quy định chi tiết”, đại biểu Trần Thị Hiền nói.

Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) cho rằng, Dự thảo bộ luật sửa đổi lần này quy định hai điểm người lao động không cần báo trước trước khi chấm dứt HĐLĐ đơn phương là bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc và lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ quan khám, chữa bệnh có thẩm quyền.

“Nếu bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà lỗi thuộc về người sử dụng lao động thì người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước thì tôi đồng tình. Nhưng nếu lỗi do đồng nghiệp thực hiện thì người sử dụng lao động không có lỗi trong trường hợp này người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo tôi cũng cần phải quy định thời gian, phải báo trước trước khi chấm dứt HĐLĐ đơn phương”, đại biểu nói.

Tương tự, việc mang thai, sinh đẻ là quyền của mọi công dân được pháp luật bảo vệ, việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ là quyền của người lao động. Tuy nhiên trong trường hợp này việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người lao động mà không quy định thời hạn báo trước là không hợp lý.

Theo đại biểu Y Khút Niê, mọi sự o ép của DN làm tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của người lao động thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước. Ngược lại, nếu không thuộc về DN thì nên quy định cho phù hợp hơn, tránh tình trạng gây khó khăn hoặc tổn hại lớn cho DN nếu họ không chủ động bố trí lao động thay thế.

Đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) cho rằng, cần sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng chỉ cần yêu cầu về thời hạn báo trước khi người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

“Bất cứ khi nào người lao động cho rằng người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động hoặc cảm thấy không hài lòng với việc làm hiện tại hoặc tìm kiếm được cơ hội làm việc tốt hơn thì họ sẽ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần có lý do. Người lao động chỉ cần báo trước một thời hạn nhất định để DN chủ động tìm kiếm lao động thay thế”, đại biểu nói.

HL

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khong-bi-cham-dut-hop-dong-it-nhat-den-khi-con-du-12-thang-tuoi-167744.html