Không biết đọc tiếng phổ thông, có được pháp luật bảo vệ khi ký văn bản bất lợi?

Chị Lầu Thị M., 34 tuổi, người dân tộc Mông ở một xã vùng cao, không biết đọc tiếng phổ thông. Cách đây một năm, chị được người quen giới thiệu đi làm công nhân ở một xưởng may. Ngày vào làm, chị được yêu cầu lăn tay vào một văn bản 'hợp đồng lao động'. Chị không hiểu nội dung, chỉ nghe người trung gian nói 'ký để đi làm hợp pháp'.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sau 5 tháng làm việc cực nhọc với lương rất thấp, chị xin nghỉ thì bị công ty giữ lại một tháng lương cuối. Khi chị thắc mắc thì được đưa ra bản hợp đồng có chữ ký (lăn tay) với điều khoản "người lao động tự ý nghỉ việc không thông báo trước 45 ngày sẽ bị giữ lại 1 tháng lương để bồi thường".

Chị M. hoang mang, vì rõ ràng chị không hiểu gì về hợp đồng khi ký. Liệu trong trường hợp này, chị có thể yêu cầu hủy bỏ hợp đồng không? Pháp luật có bảo vệ người dân tộc thiểu số như chị không?

Trả lời:

Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, một giao dịch dân sự (bao gồm cả việc ký hợp đồng lao động) chỉ có hiệu lực khi người tham gia nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Trong trường hợp chị M. không biết chữ, không hiểu nội dung hợp đồng, thì việc ký kết đó có thể bị xem là giao dịch không có ý chí tự nguyện, và có thể yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu theo Điều 127 Bộ luật Dân sự.

Bên cạnh đó Bộ luật Lao động 2019 quy định: Hợp đồng lao động phải được giải thích rõ ràng cho người lao động hiểu trước khi ký.

Cụ thể hơn Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH nêu rõ: Đối với người lao động là người dân tộc thiểu số, doanh nghiệp có trách nhiệm giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ bằng ngôn ngữ dễ hiểu.

Luật Trợ giúp pháp lý 2017 khẳng định: Người dân tộc thiểu số thuộc diện được trợ giúp pháp lý miễn phí, đặc biệt nếu họ không biết đọc viết hoặc đang gặp tranh chấp về lao động.

Trong trường hợp này chị M có thể liên hệ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa phương để được hỗ trợ miễn phí. Cùng với việc hủy giao dịch dân sự trái luật, chị có thể yêu cầu Tòa án tuyên buộc chủ sử dụng lao động phải trả lại cho chị 1 tháng lương mà họ đã giữ trái pháp luật.

Để bảo vệ tốt nhất lợi ích hợp pháp của mình chị cần cung cấp bằng chứng về việc chị không hiểu hợp đồng khi ký (có thể là lời khai, người làm chứng, hoàn cảnh ngôn ngữ…).

Từ câu chuyện trên chị M cũng như những chị em lao động dân tộc thiểu số khác cần lưu ý, khi không hiểu rõ nội dung văn bản, đừng vội lăn tay hoặc ký tên. Hãy yêu cầu được giải thích bằng lời nói dễ hiểu hoặc có người thông dịch, tư vấn pháp lý hỗ trợ. Việc lặng lẽ ký những văn bản mà mình không hiểu rõ có thể khiến bạn mất quyền lợi, bị bóc lột hoặc sa vào rủi ro pháp lý.

Hãy nhớ: Không biết chữ không có nghĩa là không có quyền. Pháp luật Việt Nam luôn bảo vệ những người yếu thế, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, khi họ bị xâm phạm quyền lợi do thiếu thông tin hoặc rào cản ngôn ngữ.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/khong-biet-doc-tieng-pho-thong-co-duoc-phap-luat-bao-ve-khi-ky-van-ban-bat-loi-2025071721331877.htm