'Không biết là triển lãm nghệ thuật hay studio cho giới trẻ chụp hình'
Trong buổi triển lãm tranh ở VCCA (Hà Nội), nhiều bạn trẻ gây phản cảm khi đứng sát tác phẩm nghệ thuật, thậm chí bước vào khu vực rào chắn chỉ để chụp ảnh.
"Đông quá".
Đó là câu đầu tiên Kiều Ngọc (24 tuổi) phải thốt lên khi bước vào triển lãm đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Vẻ thích thú ban đầu nhanh chóng nhường chỗ cho sự khó chịu khi Ngọc phát hiện những hành vi "xấu xí" ở buổi triển lãm, phần lớn đến từ hoạt động chụp hình của các bạn trẻ.
"Không biết là mình đang ở trong một buổi triển lãm nghệ thuật hay studio chụp hình nữa. Mạnh ai nấy chụp, nhiều bạn còn chẳng thèm đọc xem tác phẩm mình đang đứng tạo dáng cạnh tên là gì. Thật khó hiểu", Ngọc nói với Zing.
Khách tham quan chụp hình lộn xộn, thậm chí vô ý thức cũng là tình trạng được phóng viên Zing ghi nhận tại buổi triển lãm vào chiều 14/11. Nhiều người thản nhiên bước qua rào phân cách, sờ vào tranh hay dùng tay "nâng niu" trực tiếp các chi tiết của tác phẩm nghệ thuật.
Có biển báo cũng như không
Diễn ra từ 6/11, triển lãm Tranh đồ họa các nước ASEAN lần thứ 3 - Việt Nam 2020 đã thu hút được nhiều người yêu nghệ thuật đến thưởng thức và là nơi check-in, chụp ảnh của nhiều bạn trẻ nhờ các tác phẩm đa dạng.
Trước mỗi tác phẩm đều có ghi chú tên, tác giả thực hiện và thể loại. Đặc biệt, các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt sẽ đi kèm rào phân cách, biển báo yêu cầu người xem giữ khoảng cách khi tham quan.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tuân theo hay thậm chí là cố tình lờ đi những biển báo này.
Đứng trước tác phẩm "Sự tích loài người" với bố cục độc đáo, một nhóm 3 cô gái liên tục tiến sát, dí mặt vào gần các chi tiết được treo từ trên cao để có tấm hình ưng ý. Trong khoảng 10 phút, ba người, mỗi người đổi cả chục dáng, chụp vài chục kiểu ảnh khiến những người khác không thể theo dõi tác phẩm một cách trọn vẹn.
Cách đó không xa, tác phẩm sắp đặt gồm nhiều chiếc gương nhỏ cũng đang trở thành điểm chụp ảnh "hot". Không ít lần các thanh rào phân cách đổ do bị tựa, đá vào, nhiều chiếc gương trên nền đất cũng in hằn dấu giày khách tham quan.
Đã đến triển lãm được 30 phút song Nguyệt Quỳnh (sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) vẫn chưa xem được nhiều tác phẩm bởi có quá đông người đứng chắn chụp hình.
"Mình thấy hầu hết bạn trẻ đến đây đều có mục đích chính là check-in. Có nhiều bạn nữ còn đem theo mấy bộ quần áo để thay, chụp đủ góc khác nhau. Có tác phẩm mình đứng đợi mãi mà các bạn chưa chụp hình xong để xem, đành qua mấy chỗ vắng thưởng thức trước. Dù thích nghệ thuật, nhưng có lẽ mình phải quay lại vào lần khác vắng hơn để xem vậy", Quỳnh nói.
Theo nữ sinh ngành Văn học, những bạn trẻ này "vô tư hóa vô tâm" khi vô tình hoặc cố ý lờ đi biển báo của trung tâm triển lãm để thỏa mãn nhu cầu chụp ảnh của mình.
"Đặt mình vào địa vị tác giả, mình chắc chắn sẽ không vui khi thấy tác phẩm của mình bị đối xử như vậy. Đã là không gian nghệ thuật thì dù đến đây với mục đích gì, mọi người nên ưu tiên và dành sự tôn trọng tối thiểu cho các tác giả bằng cách thưởng thức tranh, tác phẩm theo quy định", Quỳnh bày tỏ.
Cần đúng lúc đúng chỗ
Thường xuyên tổ chức các triển lãm mới, đa phong cách và miễn phí vé vào cửa, Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom từ lâu là điểm đến của nhiều người yêu nghệ thuật và góp phần lan tỏa văn hóa thưởng thức nghệ thuật đến gần hơn với người dân.
Tuy nhiên, nơi đây cũng nhanh chóng bị nhiều người xem là một "studio free" sống ảo, để lại hình ảnh vô duyên bằng lối hành xử thiếu văn hóa. Để có những bức ảnh "nhiều like", không ít người sẵn sàng gây ảnh hưởng đến quá trình thưởng lãm của người khác hay thậm chí là các tác phẩm nghệ thuật.
"Bọn mình không thể tập trung xem tác phẩm nào quá 1 phút vì lượng người tham quan đông và chủ yếu tạo dáng chụp ảnh", Hồng Khánh, Ngọc Anh (sinh viên ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) ngao ngán.
Theo học ngành về nghệ thuật và cũng thường xuyên đi xem triển lãm, hai nữ sinh viên năm cuối bày tỏ bản thân thấy buồn khi nhiều tác phẩm bị đụng chạm, kéo đẩy để chụp ảnh. Tuy nhiên, cũng có không ít người thực sự quan tâm nghệ thuật, chăm chú thưởng thức từng tác phẩm một cách trân trọng, tuân thủ quy tắc.
Check-in không xấu, không bị cấm song để buổi tham quan được trọn vẹn và là kỷ niệm đẹp trong lòng khách đến thăm, mỗi người, dù có yêu, có hiểu nghệ thuật hay không, nên thể hiện cách hành xử văn minh và có ý thức.