Không biết răng giả rơi vào thực quản, người phụ nữ uống thuốc nhiều ngày liền
Do không biết chiếc răng giả của mình rơi vào thực quản, người phụ nữ 59 tuổi đến bệnh viện địa phương khám nhưng cũng không phát hiện và được cho thuốc uống nhiều ngày liền.
Ngày 16.10, TS.BS Lê Trần Quang Minh - Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đã thực hiện phẫu thuật gắp một chiếc răng giả nằm kẹt trong thực quản của một phụ nữ nhưng bệnh nhân không hay biết.
Nữ bệnh nhân này 59 tuổi (quê tỉnh Bình Phước) đến bệnh viện trong tình trạng nuốt đau, nuốt vướng, ăn uống kém sau nhiều ngày uống thuốc nhưng không giảm.
Qua khai thác bệnh sử được biết trước đó, người phụ nữ này có đến khám tại bệnh viện địa phương trong tình trạng trên. Tại đây, các bác sĩ không phát hiện bệnh nhân bị dị vật gì nên cho thuốc uống. Tuy nhiên, sau 5 ngày uống thuốc tình trạng nuốt đau, nuốt vướng và ăn uống kém không được cải thiện mà còn nặng hơn.
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có dị vật nên cho chụp CT Scan. Kết quả ghi nhận dị vật kẹt ở miệng thực quản.
“Dị vật là một chiếc răng giả có bản nhựa to, kẹt vào trong thực quản của bệnh nhân. Chiếc răng giả này bị gãy móc sắt nhưng bệnh nhân không đi làm lại, cũng không hay biết đã nuốt phải. Dị vật này nằm ở thực quản lâu ngày đã gây phù nề nên việc gắp gặp rất nhiều khó khăn”, bác sĩ Minh chia sẻ.
Theo bác sĩ Minh, nếu dị vật này không phát hiện kịp thời để lâu hơn nữa sẽ gây áp xe, rách đường tiêu hóa, nhiễm trùng, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Răng giả nếu rơi vào đường thở có nguy cơ gây suy hô hấp, áp xe phổi, xẹp phổi.
Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết, trước đó, bệnh viện này cũng tiếp nhận và gắp thành công một chiếc răng giả của một phụ nữ 29 tuổi rơi vào phổi sau khi đánh răng chuẩn bị đi ngủ.
Bệnh nhân này cũng đến một phòng khám kiểm tra nhưng không phát hiện hiện dị vật. Sau đó, bệnh nhân đau tức ngực nên được đưa vào Bệnh viện Tai Mũi Họng khám. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, chiếc răng giả đã rơi vào phổi.
Bác sĩ Minh khuyến cáo, người mang răng giả tháo lắp nên kiểm tra, nếu hư hỏng, gãy móc sắt phải thay lại. Tốt nhất nên trồng răng cố định vào xương hàm để chắc chắn, an toàn hơn và cẩn trọng khi ăn uống. Nếu đã lỡ nuốt dị vật, không nên cố móc họng, không nuốt cơm để trôi dị vật mà cần đi cơ sở y tế ngay để kiểm tra và gắp ra sớm.