Không buộc doanh nghiệp bàn giao trạm BOT do chậm triển khai thu phí tự động?
Trước việc có nhiều chủ đầu tư dự án BOT phản ứng việc phải bàn giao trạm thu phí, kéo dài việc triển khai thu phí không dừng, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) khẳng định, trong tuần này sẽ cơ bản hoàn thành việc ký phụ lục hợp đồng với các nhà đầu tư BOT.
Theo Tổng cục ĐBVN, tính đến cuối tuần qua vẫn còn một số chủ đầu tư trạm BOT trên QL1 và đường Hồ Chính Minh qua Tây Nguyên chưa ký phụ lục hợp đồng BOT để triển khai thu phí không dừng. Lý do chính của việc này, Tổng cục ĐBVN cho biết, một số nhà đầu tư có ý kiến việc bàn giao trạm để triển khai thu không dừng ảnh hưởng đến hoạt động và thu phí hoàn vốn của dự án.
Với bốn trạm BOT nằm trên QL1 từ Hà Nội đi các tỉnh như: Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình và dự án đường QL1 tránh qua thành phố Phủ Lý (Hà Nam), thông tin với PV Tiền Phong, lãnh đạo Tổng cục ĐBVN cho biết, 4 trạm đã cơ bản thống nhất các nội dung để ký phụ lục hợp đồng triển khai thu phí không dừng trong thời gian tới.
Với 4 trạm Bắc Hải Vân, trạm Cam Thịnh (Khánh Hóa), trạm Cần Thơ - Phụng Hiệp (QL1); trạm Km1610+800 và trạm Km1667+470 (QL14 - đường Hồ Chí Minh) trong những ngày qua, Tổng cục ĐBVN đang làm việc với các nhà đầu tư nhằm đi đến thống nhất các nội dung để sớm ký phụ lục hợp đồng.
Trước việc một số chủ đầu tư trạm BOT phản ứng nội dung phải bàn giao trạm thu phí cho đơn vị triển khai thu phí không dừng, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, lãnh đạo tổng cục vừa có văn bản gửi các nhà đầu tư và đơn vị có liên quan thông tin rõ hơn việc này.
Theo đó, việc bàn giao một số tài sản cho nhà đầu tư dự án thu phí điện tử không dừng là để phục vụ cung cấp dịch vụ thu phí. “Còn quyền thu phí và tài sản thuộc dự án BOT trong giai đoạn khai thác hoàn vốn vẫn do nhà đầu tư quản lý theo quy định”, văn bản của Tổng cục ĐBVN nhấn mạnh.
Giải thích thêm cho văn bản này, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho hay: Trong quá trình triển khai thu phí không dừng nhà đầu tư chỉ bàn giao một phần của trạm cho đơn vị thực hiện dịch vụ. Phần bàn giao này chủ yếu liên quan đến công tác vận hành của hệ thống thu phí không dừng, chứ không phải bàn giao tất cả trạm.
Tổng cục ĐBVN cho biết, trên cả nước hiện có 77 trạm thu phí, tính đến nay, giai đoạn 1 của dự án triển khai thu phí không dừng đã có 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã áp ụng thu phí không dừng. Giai đoạn 2 của dự án có tổng số 33 trạm, bao gồm 10 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các QL khác, lộ trình thực hiện giai đoạn 2 là 31/12/2019.
Hiện Tổng cục ĐBVN đang tích cực đàm phán với các nhà đầu tư còn lại, đảm bảo tiến độ ký phụ lục hợp đồng, nhằm sớm hoàn thành mục tiêu lắp đặt và triển khai thu phí không dừng tại 44 trạm thu phí còn lại trên toàn quốc trong năm 2019.