Không buông lỏng quản lý hoạt động phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội

Sáng 29-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hội nghị được trực tuyến 4 cấp, từ Trung ương đến cấp xã.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo những nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 cần tập trung thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo những nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 cần tập trung thực hiện.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Võ Văn Bình và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì tại điểm cầu Tiền Giang.

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM CẦN THỰC HIỆN

Sau khi nghe báo cáo về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 toàn quốc, đặc biệt là tại điểm nóng TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam, Thủ tướng Chính phủ kết luận những nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương cần thống nhất quyết tâm thực hiện để đẩy lùi dịch.

Trong đó, phấn đấu thực hiện tốt các giải pháp tại Nghị quyết 86 của Chính phủ, Công điện 1099 ngày 22-8-2021 và Công điện 1102 ngày 23-8-2021 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo thực hiện hiệu quả chiến lược lấy mỗi xã, phường làm “pháo đài" chống dịch, mỗi người dân là chiến sĩ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thời gian tới: Cả nước cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội; không buông lỏng quản lý hoạt động phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội, đảm bảo người dân không ra khỏi nhà, "ai ở đâu ở đó", triệt để khắc phục tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”.

Đảm bảo ổn định an sinh xã hội; chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án, nguồn lực cần thiết, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc. Đặc biệt là chú trọng công tác an sinh xã hội đối với người nghèo, lao động, công nhân, người lang thang, cơ nhỡ. Thủ tướng nhấn mạnh muốn thành công trong chống dịch phải an dân.

Thủ tướng chỉ đạo phải tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự xã hội; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch và các thông tin xấu độc gây ảnh hướng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch.

Đồng chí Võ Văn Bình và đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.

Đồng chí Võ Văn Bình và đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang.

Thủ tướng nhấn mạnh phải triển khai hiệu quả các biện pháp chuyên môn về y tế; đồng thời, đảm bảo người dân phải được tiếp cận với dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất. Tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng gắn với vai trò của y tế cơ sở tại xã, phường, thị trấn, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm trong cộng đồng, nhanh chóng cắt đứt chuỗi lây nhiễm; tổ chức cách ly, chăm sóc, điều trị phù hợp.

Tiếp tục mở rộng các tầng điều trị, điều trị sớm để giảm bệnh tăng nặng, giảm tử vong. Mở rộng đối tượng được điều trị thuốc điều trị có kiểm soát tại cộng đồng.

Tiếp tục tăng cường triển khai các trạm y tế lưu động và thành lập các tổ chăm sóc dựa vào cộng đồng; bổ sung trang thiết bị y tế, nhất là ôxy y tế và trang thiết bị chăm sóc hô hấp theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để người dân có thể tiếp cận chăm sóc y tế nhanh nhất, sớm nhất.

Đối với các khu vực nguy cơ cao, triển khai hướng dẫn để người dân có thể tự xét nghiệm; thí điểm áp dụng mô hình người đã khỏi bệnh chăm sóc, tư vấn cho các F0 trong quá trình điều trị.

Tiếp tục ưu tiên phân bổ vắc xin cho TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam; tuyên truyền để tăng tỷ lệ tiêm vắc xin trong cộng đồng ngay khi vắc xin được phân bổ, đảm bảo thực hiện phương châm “vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất".

Thủ tướng chỉ đạo phải đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa; thúc đẩy, duy trì sản xuất nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển tiêu thụ nông sản, vật tư nông nghiệp, nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Các địa phương phải chủ động triển khai nhanh, sớm các phương án mua sắm vật tư, thiết bị phòng, chống dịch, đảm bảo đáp ứng nhu cầu triển khai trên địa bàn quản lý; đồng thời, thực hiện tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn lực. Đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về phòng, chống dịch bệnh, cung cấp thông tin báo chí minh bạch, kịp thời để người dân hiểu, tự giác phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn.

Tăng cường hiệu quả triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh. Phát huy tinh thần đại đoàn kết, tương thân, tương ái, tiếp tục vận động, huy động mọi nguồn lực xã hội phục vụ công tác phòng chống dịch.

Đối với việc lưu thông hàng hóa, Thủ tướng chỉ đạo phải đảm bảo lưu thông xuyên suốt chuỗi lưu thông cung ứng hàng hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương không được đặt ra “giấy phép con” gây cản trở, ách tắc.

KIẾN NGHỊ TRUNG ƯƠNG HỖ TRỢ TIỀN GIANG

Xuất phát từ thực tế công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đã kiến nghị, đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế hỗ trợ về trang thiết bị gồm 2 hệ thống RT-PCR; 140 giường hồi sức tích cực, 60 máy thở chức năng cao, 10 máy thở xâm nhập, 70 máy thở HFNO, 1 máy ECMO, 50 máy Monitor 07 thông số (có IBP), 30 máy Monitor 3-5 thông số…

Tiền Giang cũng đề nghị hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương hỗ trợ tỉnh từ 100 - 200 tỷ đồng để thực hiện chế độ và các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, phòng hộ cá nhân. Đề nghị Bộ Quốc phòng cho ý kiến mở rộng cơ sở Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 6 lên quy mô 500 giường; hỗ trợ thành lập một Khu Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 6 quy mô 100 - 200 giường.

Đặc biệt, UBND tỉnh Tiền Giang đã có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế quan tâm, ưu tiên phân bổ sớm số vắc xin còn lại, trong tổng số hơn 2,5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 đã được Bộ Y tế dự kiến phân bổ cho tỉnh để tăng độ bao phủ vắc xin, trước mắt là ưu tiên tiêm cho người dân của địa phương có nguy cơ rất cao của tỉnh.

THỦY HÀ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202108/khong-buong-long-quan-ly-hoat-dong-phong-chong-dich-trong-thoi-gian-gian-cach-xa-hoi-933497/