Không cam phận nghèo

8 năm trước, vụ hỏa hoạn đã làm cháy toàn bộ gia sản của vợ chồng anh Hồ Văn Biên (sinh năm 1988), trú tại bản Khe Me, xã Linh Thượng, huyện Gio Linh. Nhìn cảnh anh chị nước mắt lưng tròng, nhặt nhạnh từng đồ vật sót lại, ít ai nghĩ đôi vợ chồng trẻ đủ sức đứng dậy giữa bộn bề gian khó. Vậy mà, trong thời gian ngắn, anh chị đã làm được điều tưởng chừng không thể.

 Anh Biên thường xuyên đọc sách, báo để học hỏi những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả

Anh Biên thường xuyên đọc sách, báo để học hỏi những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả

Năm 2006, vợ chồng anh Biên tách hộ, lập vườn với đôi bàn tay trắng. Trong ngôi nhà tranh vách nứa, nhiều hôm, anh chị phải ăn rau rừng, húp nước cháo qua bữa. Sống cảnh thiếu thốn, lại phải lao động quần quật nên hai vợ chồng đều gầy ốm. Con của anh chị thường khóc ngằn ngặt vì đói sữa. Dẫu khó khăn là vậy nhưng chưa bao giờ đôi vợ chồng trẻ nghĩ đến chuyện xin vào diện hộ nghèo để được thụ hưởng chính sách của Nhà nước. Từng ngày, anh chị nỗ lực lao động, sản xuất để sớm thoát cảnh thiếu trước, hụt sau. Hễ nghe tin ở đâu cần người làm thuê, hai vợ chồng đều có mặt. Nhờ chịu khó làm ăn, cộng với biết chắt chiu, dành dụm, cái đói, cái nghèo không còn đeo bám vợ chồng anh Biên.

Cuộc sống đang yên ả trôi thì hoạn nạn kéo đến. Năm 2011, toàn bộ gia sản mà vợ chồng anh Biên đổ mồ hôi, nước mắt làm ra bị hỏa hoạn thiêu rụi. Điều may mắn duy nhất là các con của anh chị được bình an. Trong cơn hoạn nạn, vợ chồng anh Biên gần như mất phương hướng. Năm ấy, gia đình anh chị được xếp vào diện hộ nghèo. “Nhận được sự quan tâm của cấp trên nhưng thú thật là vợ chồng tôi không vui. Chúng tôi còn trẻ, khỏe nên rất ái ngại khi được quan tâm, hỗ trợ. Vì thế, hai vợ chồng nắm tay động viên và hứa với nhau sẽ nỗ lực thoát nghèo trong thời gian ngắn nhất”, anh Biên kể.

Sau những ngày “ăn nhờ, ở đậu”, vợ chồng anh Biên dựng tạm một ngôi nhà để ổn định cuộc sống. Anh Biên quyết định lên đường đi làm ăn, giao việc cửa nhà cho vợ. Dành dụm được một số vốn, anh chị mở lại quán tạp hóa. Trong quá trình đi làm ăn, anh Biên tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, trồng trọt. Trở về, anh bàn với vợ vay mượn để trồng tràm, cao su…, rồi tiếp tục mở rộng nuôi heo, gà, trâu, bò… Sự nỗ lực từng ngày đã giúp anh chị đẩy lùi nghèo khó. Chỉ một năm sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, vợ chồng anh Biên đã thoát khỏi diện hộ nghèo.

Chưa hài lòng với thực tại, vợ chồng anh Biên quyết tâm làm giàu để có thể giúp đỡ nhiều người hơn. Những giọt mồ hôi của anh chị được đổi bằng 7 ha rừng tràm xanh tốt; 1,5 ha cao su đã đưa vào khai thác; đàn heo béo tốt với 35 con; mô hình gà thả đồi có 300 con… Quán tạp hóa của vợ chồng anh Biên có khá đầy đủ các mặt hàng phục vụ người dân. Năm 2015, anh chị xây dựng được một ngôi nhà đẹp nhất nhì bản.

Cuộc sống đủ đầy giúp vợ chồng anh Biên có điều kiện tốt hơn để giúp đỡ mọi người. Anh Biên trở thành một Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn giàu trách nhiệm, nhiệt huyết. Hễ hay tin người nào trong bản gặp khó khăn, hoạn nạn, anh Biên và vợ đều có mặt. Không chỉ hỗ trợ bằng sức người, sức của, kinh nghiệm sản xuất…, anh chị còn giúp bà con trong bản hiểu rằng chuyện giàu, nghèo không do “số phận định đoạt”. Để có ngày mai tươi sáng hơn, trước tiên, mỗi người phải không cam phận nghèo.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=143605