Không cần bật radar, chiến cơ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn 'vặn cổ' Su-24 Syria dễ dàng

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã ra thông báo, máy bay chiến đấu F-16 của Không quân nước này đã bắn hạ hai máy bay ném bom Su-24 của Không quân Syria; đây là một động thái bất ngờ, làm leo thang tình hình vốn đã căng thẳng trước đó ở Idlib.

Theo thông tin mới nhất được tiết lộ bởi phía Thổ Nhĩ Kỳ, không quân nước này đã sử dụng máy bay cảnh báo sớm E-737 và máy bay chiến đấu F-16 trong trận chiến đấu trên không. Dưới sự chỉ huy của E-737, máy bay chiến đấu F-16 đã phóng tên lửa không đối không AIM-120C để bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Quân đội Syria.

Điều đáng ngạc nhiên nhất về trận chiến trên không này là Không quân Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên sử dụng chiến thuật “dẫn đường – chỉ huy trên không”, bằng cách máy bay chiến đấu không bật radar của chính nó và sử dụng cung cấp dữ liệu mục tiêu từ bên ngoài, để dẫn đường cho tên lửa.

Chiến thuật này có lợi thế là đối phương không thể đưa ra cảnh báo sớm hiệu quả, do đó không kịp áp dụng biện pháp phòng thủ; chiến thuật này làm tăng xác xuất trúng mục tiêu của tên lửa và tăng đáng kể phạm vi tấn công.

Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay chiến đấu F-16 của họ không cần bật radar kiểm soát hỏa lực APG-68 trong quá trình chiến đấu; mục tiêu máy bay ném bom Su-24 của Không quân Syria đã được máy bay cảnh báo sớm E-737 của Thổ phát hiện và liên tục theo dõi.

Những dữ liệu về chiếc Su-24, được chuyển đến máy bay chiến đấu F-16, thông qua đường chuyền liên kết dữ liệu LINK-16. Sau khi nhận được dữ liệu, máy tính MMC trên chiến đấu cơ F-16 mang tên lửa sẽ tính toán, tìm phương pháp điều khiển hỏa lực tối ưu.

Sau khi thỏa mãn điều kiện, tên lửa tiến công ngoài tầm nhìn AIM-120C trên F-16 đã được phóng; lúc này máy bay tấn công Su-24 luôn bị máy bay cảnh báo sớm E-737 bám sát, sẵn sàng cung cấp dữ liệu để F-16 phóng loạt tên lửa tiếp theo nếu tên lửa đầu không đánh trúng mục tiêu.

Các phi công Su-24 có thể mất cảnh giác khi chỉ bị radar của máy bay cảnh báo sớm E-737 bám sát mà ít để ý khi tên lửa AIM-120 bay đến; với tốc độ của tên lửa thì chiếc Su-24 quá muộn để có những phản ứng tránh đòn.

Hiệp đồng tác chiến trên không luôn là khoa mục được chú ý luyện tập của các lực lượng không quân của nhiều quốc gia và khu vực khác nhau. Năm 2013, Không quân Mỹ đã sử dụng máy bay chiến đấu F-35 để thực hiện thành công các cuộc thử nghiệm như vậy.

Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng chiến thuật này lần đầu tiên trong chiến đấu thực tế, bắn hạ hai máy bay ném bom Su-24 của Không quân Syria trong một lần xuất kích mà không bị tổn thất.

Giới quan sát quân sự cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng chiến thuật “dẫn đường – chỉ huy trên không” có thể có những lý do sau: Không quân Syria biết rất ít về khái niệm “dẫn đường – chỉ huy trên không”; bằng cách khai thác điểm yếu này, do vậy Không quân Thổ Nhĩ Kỳ mới có cơ hội bắn hạ hai máy bay ném bom Su-24, mà không chịu thiệt hại.

Ngoài ra chiến thuật trên còn thể hiện sức mạnh và tính răn đe; đây là chiến thuật không chiến hiện đại, kết hợp với hàng loạt công nghệ mới như radar mảng pha điện tử, đường chuyền liên kết dữ liệu tốc độ cao, hệ thống xử lý thông tin tích hợp; nói cách khác đó là chiến thuật tiên tiến kết hợp với công nghệ hiện đại.

Máy bay cảnh báo sớm E-727 được trang bị radar mảng pha chủ động, có thể tập trung sóng ở một khu vực nhất định để tăng khoảng cách cũng như cường độ phát hiện mục tiêu. Tuy nhiên, giới quân sự nghi ngờ rằng, tốc độ đường chuyền liên kết dữ liệu LINK-16 vẫn khó hỗ trợ cho chiến thuật phối hợp, hiệp đồng với những máy bay chiến đấu có tốc độ cao như Su 27/30/34/35/57 hoặc MiG-29/35 của Nga. Hiện nay Không quân Mỹ đã sử dụng một thế hệ đường chuyền liên kết dữ liệu tốc độ cao mới, để có thể kịp chuyền dữ liệu với các loại máy bay siêu thanh trên của Nga.

Trong trường hợp này, do máy bay Su-24 của Không quân Syria có khả năng cơ động kém, tốc độ cận âm, khó có thể “biến mất” khỏi sự theo dõi của chiếc E-727; vì vậy đường chuyền LINK-16 kết nối giữa chiếc E-727 và chiếc F-16 hoàn toàn có thể cung cấp tham số cho tên lửa AIM-120 tiêu diệt loại máy bay cận âm như Su-24.

Tác chiến “dẫn đường – chỉ huy trên không” cũng là cũng là nền tảng của Không quân Nga; nhưng ở thời điểm hiện tại, máy bay cảnh báo sớm của Không quân Nga là không đủ cho chiến thuật này. Máy bay cảnh báo sớm A-50U mới nhất, vẫn là phiên bản cải tiến của máy bay cảnh báo sớm A-50, được trang bị radar quét cơ học và khả năng phát hiện của nó rất khó so sánh với E-737.

Ngoài ra, do số lượng máy bay của Nga ở chiến trường Syria không lớn, do đó Không quân Nga đã không thể thiết lập một hệ thống chiến đấu mạng hoàn chỉnh ở đây. Trong hầu hết các trường hợp, máy bay chiến đấu của Nga chỉ có thể dựa vào chỉ huy và dẫn đường của radar phòng không mặt đất và Không quân Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể tránh được sự theo dõi của radar mặt đất của Nga.

Năm 2015, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã phục kích và bắn hạ cũng một máy bay ném bom Su-24 của Lực lượng Không quân Nga bằng chiến thuật như vậy. Lần này, không loại trừ việc họ lặp lại mánh khóe này.

Do đó, chúng ta có thể thấy rằng lực lượng Không quân Nga ở Syria có năng lực hạn chế. Về tổng thể, máy bay chiến đấu hạng nặng Su-35 có thể vượt trội tính năng so với máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-16 về khả năng chiến; nhưng do thiếu sự hỗ trợ của máy bay cảnh báo sớm, Su-35 vẫn khó “răn đe” được F-16. Ở một mức độ nhất định, sự kiềm chế của các lực lượng Không quân Nga tại Syria để tránh tình hình căng thẳng leo thang, cũng là một động thái hạn chế sức mạnh của lực lượng không quân Nga tại Syria.

Video Thổ Nhĩ Kỳ tấn công 54 mục tiêu ở Syria - Nguồn: Truyền hình Nhân dân

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/khong-can-bat-radar-chien-co-tho-nhi-ky-van-van-co-su-24-syria-de-dang-1349322.html