Không cần đợi 10 năm, tôi ly hôn ngay sau lời thách đố của chồng
Chồng tôi cho rằng, nếu không có anh thì tôi sẽ chết đói thậm chí không thể có được cuộc sống như hiện tại với anh ta. Anh ta nói như đuổi tôi ra khỏi nhà và trong cơn bĩ cực, tôi đã bỏ về với mẹ đẻ rồi ly hôn sau lời thách đố ấy...
Sau khi nghe câu chuyện chia sẻ của một người phụ nữ đã âm thầm đợi 10 năm đến khi con lên đại học và ly hôn chồng. Câu chuyện như lời cảnh tỉnh đối với những ông chồng Việt, đặc biệt là những người cậy mình làm ra tiền và coi thường vợ - những người đã "đầu ấp vai kề" với mình.
Infonet xin đăng tải câu chuyện của chị Lê Huyền (Hà Nội) và cái nhìn của chị xung quanh câu chuyện này!
Cách đây 6 năm, tôi cũng như người phụ nữ kia và tôi đã tự tin ra khỏi nhà dù công việc không có, tiền bạc không có.
Tôi và chồng cũ của tôi cùng quê. Chồng tôi là người rất gia trưởng. Khi mới yêu tôi đã nhận thấy điều ấy. Nhưng bù lại, tôi cố nhìn nhận điểm tốt của anh như chăm chỉ làm ăn, có chí tiến thủ và đặc biệt anh luôn tạo cho tôi một cuộc sống an nhàn khi kết hôn (dĩ nhiên đó là những lời hứa khi yêu-PV). Lúc ấy, anh ta bảo nếu tôi lấy anh chẳng cần phải làm gì vì anh lo cho hết.
Lúc đó, mới ra trường, công việc bập bõm và được người yêu nói thế thì ai cũng thích. Anh làm kinh doanh, anh có tiền nhưng vẫn đi thuê nhà, tập trung vốn liếng cho làm ăn. Khi đó, gia đình anh phản đối chuyện tình cảm của chúng tôi. Một phần vì anh hay về nhà khoe quen con ông sếp nọ, sếp kia. Bố mẹ anh ấy nghĩ rằng, con trai họ phải lấy vợ Hà Nội và đổ lỗi tôi bám đuôi anh ta.
Nhưng anh luôn yêu thương và động viên tôi, khiến tôi cũng thấy yên lòng hơn. Chúng tôi kết hôn năm tôi 25 tuổi. Sau khi kết hôn, tôi mang thai. Ngay lúc ấy, anh bảo tôi nên nghỉ việc ở nhà để dưỡng thai vì tôi đi làm cách chỗ thuê trọ 15km. Tôi nghĩ phụ nữ chỉ cần lo cho gia đình. Thế là tôi tự tắt hết cơ hội của mình, chấp nhận ở nhà làm một người phụ nữ của gia đình.
Ba năm tôi sinh hai con. Tiền của riêng tôi không có, đều từ tiền anh đưa. Mỗi tháng, anh chỉ đưa cho tôi 10 triệu đồng trong đó tiền thuê nhà 2,5 triệu, tiền sữa cho các con. Bữa trưa ở nhà tôi chẳng dám mua gì ăn, có cơm nguội, thức ăn thừa ăn tạm. Nhưng chồng tôi liên tục ca thán tôi... tiêu hoang phí.
Mỗi lần tôi nói tới tiền là anh cáu và nói tôi chỉ biết ăn bám. Những năm tháng đầu tôi còn nhịn anh, nhưng sau đó cả gia đình của anh cũng cho rằng tôi chỉ ăn bám chồng mà không làm được việc gì. Họ còn cho rằng cả thế giới này phụ nữ vẫn vừa đi làm, vừa nuôi con tại sao tôi chỉ ở nhà chăm con. Có những lúc con ốm, tôi phát điên lên vì con khóc, con quấy nhưng anh đi làm về chỉ ngồi chơi và hút thuốc.
Biết tính chồng gia trưởng nên tôi cũng chẳng muốn đôi co làm gì cho gia đình thêm căng thẳng. Tuy nhiên, một lần bố tôi lên chơi. Căn nhà trọ nhỏ chật nên bố tôi có nói chuyện nên thuê nhà rộng hơn để các cháu ở cho đỡ vất vả.
Trong lúc ăn cơm, cháu đòi uống bia nên bố tôi nâng cốc bia để cháu nhấp môi. Chồng tôi đã đập chiếc cốc và thẳng thừng chửi lớn tại sao lại cho con anh ta uống bia. Tôi thương bố mình đến thắt lòng. Vì tôi không kiếm được tiền nên chỉ còn biết im lặng.
Ngày hôm sau ra về, bố cứ cầm tay tôi và chẳng nói được gì. Tôi biết bố thương tôi lắm, bởi từ nhỏ ông đã luôn cưng chiều tôi nhất nhà. Chỉ thấy tôi cam chịu nhẫn nhịn là ông biết tôi đã không còn là con gái "ngọc ngà" mà bố tôi từng tự hào khi xưa.
Trước đây, tôi rất cá tính và nếu thấy chướng tai, gai mắt tôi sẽ phản ứng ngay còn bây giờ tôi lại nhẫn nhịn đến cùng cực. 5 năm lấy chồng, tôi không biếu bố mẹ mình được cái gì. Tết nhất, chồng tôi sắm cho nhà anh ấy đủ thứ, biếu tiền ông bà tiêu tết nhưng nhà ngoại thì không bao giờ có gì.
Lúc nào gia đình chồng cũng nghĩ rằng đang nuôi tôi giúp nhà ngoại, một "đứa trẻ" to đầu mà thôi. Tôi không dám gặp gỡ bạn bè vì không có tiền và quần áo mới để mặc. Nhưng chồng tôi vẫn cho rằng tôi tiêu hoang và việc gặp gỡ bạn bè chỉ là đàn đúm, rách chuyện.
Sau lần bố tôi lên chơi, anh cũng mua một căn hộ chung cư. Tuy nhiên, mẹ con tôi chưa kịp vui mừng thì chồng tôi bắt đầu giở chứng nhiều hơn, liên tiếp đi nhậu say tới khuya mới về nhà. Và cứ mỗi lần tiếp khách say, anh lại chửi tôi ăn bám.
Nhưng hễ tôi muốn xin đi làm thì anh lại gạt phắt đi và nói, không ở nhà đưa đón và chăm con còn định thuê mướn ai nữa? Hai đứa trẻ (đứa 4 tuổi, đứa 2 tuổi) chúng cần mẹ chăm sóc, nhưng nó cũng không thể bám tôi mãi và cũng phải đi học chứ.
Nhiều lúc tôi u uất tới mức trầm cảm vì cái tính đàn bà của chồng. Ví dụ, mỗi lần anh về nhà thấy mẹ con tôi bật điều hòa là anh cũng mắng tôi không biết tiết kiệm điện, không ra ngoài kiếm tiền để thấy nó khổ sở như nào. Tôi như cái gai trong mắt anh ta, khiến anh luôn kiếm cớ gây sự.
Anh ta luôn chửi rằng tôi bất tài, không đồng cam cộng khổ với anh. Anh ta nói nhiều như quen miệng và hễ cứ mở mồm là lại chê bai tôi. Mẹ và em gái anh ta mỗi lần đến chơi thì cũng liên tục “bơm” vào rằng, vì tôi mà con bà không lấy được con ông nọ, bà kia nên phải lấy đứa nhà quê chỉ biết ăn bám.
Con giun xéo lắm cũng quằn, một lần, anh chửi tôi và đuổi tôi “biến ra khỏi nhà tao ngay, tao không nuôi mày nữa”. Nguyên nhân chỉ vì trước đó mẹ anh lên chơi, tôi không còn tiền biếu bà đi taxi về nhà. Sau khi về nhà, bà đã gọi điện cho chồng tôi ca thán về việc tôi không đón tiếp và đủ thứ "xấu xa" về tôi mà bà nghĩ ra.
Quá uất ức, nhưng tôi không khóc nổi, cũng không phản ứng hay thái độ gì. Cả đêm ấy tôi chỉ nghĩ tới bố mẹ mình. Mẹ đã dặn tôi hãy sống vì con, nhưng tôi thấy cuộc sống thật ngột ngạt và đã quá sức chịu đựng.
Sáng hôm sau, tôi viết giấy để lại và đưa hai con về nhà mẹ đẻ. Sáng hôm sau, lần đầu tiên tôi thức dậy ở một nơi tôi được coi như công chúa. Tôi tự nhủ hơn 5 năm qua, mình sống vì cái gì. Mình cần giải thoát cho mình chứ không thể vì con mãi được.
Tôi để con ở quê và lên Hà Nội nói chuyện với chồng mình. Anh ấy nói nếu tôi đi làm, dứt bỏ anh ta thì ký vào giấy ly hôn rồi đi đâu thì đi. Tôi nói “ly hôn em sẽ là nguyên đơn, anh cho em thời gian”.
Anh ta thách tôi có thể kiếm được tiền để nuôi mình chứ đứng nói nuôi con. Tôi nói, tạm thời các con ở quê với ông bà ngoại. Tôi sẽ cho con học trường tốt nhất, dù bị gọi là quê nhưng nhà tôi cũng ở thành phố của tỉnh lẻ. Nói rồi tôi bước đi không ngoảnh đầu lại.
Sau khi về nhà mẹ đẻ, tôi bắt đầu đi tìm việc và tìm nguồn hàng để bán online. Lúc đầu, tôi chỉ đến các chợ hàng thùng gom chút đồ về rồi bán lặt vặt. Sau đó, tôi lần mò ra các mối oder hàng Quảng Châu.
Vì là đơn vị bán lại nhưng tôi nghĩ, lãi ít bán nhiều cũng tốt. Tôi bắt đầu mê mẩn bán hàng online, hăng say tìm kiếm nguồn hàng và tham gia các khóa bán hàng online trên mạng. Sau một thời gian làm quen, tôi quyết định chỉ chuyên về thời trang, túi xách cho phái đẹp.
Sau 6 tháng vật vã với buôn bán, tôi quên đi cuộc sống ngột ngạt của mình và thấy mình đang thực sự sống cho bản thân. Nghĩ lại những tháng ngày sống bên chồng tôi cứ rùng mình và nghĩ, tại sao tôi phải cun cút sống với một người chồng gia trưởng chỉ vì anh ta đang nuôi mình?
Tôi và chồng ly hôn nhanh chóng sau đó. Tạm thời cả 2 đứa con do tôi nuôi, mỗi tháng anh gửi cho tôi 8 triệu đồng chi phí nuôi con. Tôi đồng ý và cũng không thắc mắc gì, bởi mọi thứ do tòa quyết định.
5 năm sau ly hôn, anh ta cũng rất đều đặn mỗi tháng gửi đủ tiền nuôi con, nhưng với tôi anh ta đã chết. Hiện tôi cũng không có ý định đi bước nữa, 2 con cũng đã lớn nên tôi đã vất vả đi nhiều. Tuy nhiên, bản thân tôi sau khi ở với bố mẹ đẻ, tư tưởng thoải mái nên tôi đã lấy lại được vóc dáng và ngày càng xinh đẹp hơn xưa.
Đặc biệt, bố mẹ tôi thì vui mừng ra mặt và mỗi lần vui miệng ông bà đều bảo với các cháu "may mà mẹ mày thoát được sớm khỏi cái địa gục trần gian ấy". Nhưng khi nghe thấy vậy, tôi đều phải nhắc ông bà đừng tiêm nhiễm con trẻ những điều tiêu cực về cuộc sống.
Mặc dù cũng có đôi chút phiền phức khi làm mẹ đơn thân, bị những người khác giới và thậm chí cả người yêu cũ đã bỏ vợ thỉnh thoảng buông lời ong bướm, đặt vấn đề xây dựng cuộc sống mới... Nhưng tôi lại thấy thật hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình.
Thiết nghĩ, đọc được câu chuyện đợi 10 năm mới ly hôn tôi cho rằng, nếu các bạn đủ tự tin, cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc thì cần gì phải cố gắng chịu đựng tới 10 năm.